Khi thanh niên hào hứng với chèo bả trạo
Tối 26.8, Liên hoan Chèo bả trạo do Tỉnh đoàn tổ chức tại Quảng trường Chiến Thắng (TP Quy Nhơn) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ðiều đáng mừng là nòng cốt các đội bả trạo tham gia Liên hoan phần nhiều là thanh niên.
Dự Liên hoan có 5 đội bả trạo, gồm: Đội trạo xã Hoài Hải (đội thi của Thị đoàn Hoài Nhơn); Đội trạo thôn 9, xã Mỹ Thắng (Huyện đoàn Phù Mỹ); Đội trạo xã Cát Khánh (Huyện đoàn Phù Cát); Đội trạo thôn Bình Thái, xã Phước Thuận (Huyện đoàn Tuy Phước) và Đội trạo xã Nhơn Hải (Thành đoàn Quy Nhơn).
Giới trẻ quan tâm gìn giữ
5 đội bả trạo tham gia Liên hoan đã chọn những trích đoạn hay của kịch bản chèo bả trạo để dàn dựng tiết mục dự thi với yêu cầu thời lượng tối đa 20 phút, đảm bảo có các nhân vật chính trong nghệ thuật bả trạo, gồm: Tổng sanh (tổng mũi), tổng thương (tổng khoang), tổng lái (tổng hậu) cùng các quân trạo (tay chèo). Nhiều đội trạo còn có thêm các nhân vật trạo siêu (cầm đao bảo vệ), lồng đèn (phao tiêu dẫn đường trên biển), bộ hổ (tiểu tướng cầm gươm)… mang bản sắc riêng của địa phương. Chính điều này khiến các phần biểu diễn thêm phong phú, hấp dẫn.
Lực lượng các đội tham gia Liên hoan phần lớn là ĐVTN, nhiều bạn lần đầu múa hát bả trạo nhưng biểu diễn rất thuần thục. Em Đoàn Nguyễn Duy (18 tuổi), thành viên Đội trạo thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, chia sẻ: “Lần đầu vào đội, em được giao vai Tổng thương - một trong 3 nhân vật chính, nên em nỗ lực tập luyện dữ lắm! Em thấy tự hào khi di sản văn hóa của quê hương Bình Định được giới trẻ như em quan tâm kế thừa thực hành”.
Với phần trình diễn ấn tượng, Đội bả trạo xã Nhơn Hải được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cũng lần đầu diễn bả trạo, em Lê Phạm Phú Quý (18 tuổi), thành viên Đội trạo xã Hoài Hải, thổ lộ: “Ở quê em, nghệ thuật bả trạo được duy trì từ lâu đời, truyền từ lớp già đến lớp trẻ để giữ gìn. Chúng em rất vui vì được tham gia Liên hoan để quảng bá di sản văn hóa quê hương mình”.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức trao giải nhất cho Đội bả trạo thôn Bình Thái, xã Phước Thuận (đơn vị Huyện đoàn Tuy Phước); giải nhì thuộc về Đội bả trạo xã Nhơn Hải (Thành đoàn Quy Nhơn); Đội trạo thôn 9, xã Mỹ Thắng (Huyện đoàn Phù Mỹ) đạt giải ba; Đội trạo xã Hoài Hải (Thị đoàn Hoài Nhơn) và Đội trạo xã Cát Khánh (Huyện đoàn Phù Cát) đạt giải khuyến khích.
Đội trạo xã Cát Khánh gây ấn tượng rất mạnh khi có bạn nữ trẻ Đinh Thị Kim Lê (17 tuổi) đóng vai Tổng mũi. “Ở quê em dịp Lễ hội cầu ngư thường có hát múa bả trạo, em xem từ nhỏ đã thích rồi. Nay có cơ hội tập luyện đi thi, em tham gia ngay. Được tin tưởng giao vai Tổng mũi - vai diễn vừa hát, vừa diễn xuất dẫn dắt cả đội múa theo hiệu lệnh trống cầm tay, sau 20 ngày nỗ lực tập luyện, em đã diễn được vai”, Kim Lê bộc bạch.
Chỉ mới phục dựng lại vào đầu năm 2022, nhưng Đội trạo thôn 9, xã Mỹ Thắng với phần lớn thanh niên đã khá chững chạc. Anh Phan Văn Nhật (28 tuổi), Đội trưởng Đội bả trạo thôn 9, chia sẻ: “Việc tổ chức Liên hoan dành cho lực lượng ĐVTN mang rất nhiều ý nghĩa, giúp các bạn trẻ thêm yêu quê hương, cùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông”.
Cần định hướng bảo tồn di sản
Nghệ nhân Nguyễn Dư (75 tuổi) đóng vai Tổng lái của Đội trạo xã Nhơn Hải tham gia Liên hoan, tâm tình: “Tìm được các cháu trẻ để truyền các vai tổng rất khó vì đầu tiên phải biết hát bội hoặc học hát thành công. Cá nhân tôi rất ủng hộ việc Đoàn Thanh niên tổ chức sự kiện này. Qua đây tôi cũng hy vọng các cấp chính quyền, các cơ quan văn hóa của tỉnh và các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật bả trạo”.
“Thông qua Liên hoan, Tỉnh đoàn mong muốn tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, không chỉ nghệ thuật bả trạo mà còn ở nhiều loại hình nghệ thuật khác để thể hiện tài năng, năng khiếu và cổ vũ tuổi trẻ toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của thanh niên trong tham gia xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Anh Phạm Hồng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn
Hát múa bả trạo (còn gọi là bá trạo, chèo bả trạo, hò đưa linh, hò hầu linh) ở Bình Định có nét độc đáo riêng, biểu diễn có tuồng tích, chương hồi mang tính nghệ thuật cao về trình thức sân khấu, là tuồng “Hát bội bả trạo”. Nghệ thuật bả trạo gắn với lễ hội cầu ngư - nét văn hóa tín ngưỡng dân gian của cộng đồng ngư dân ven biển của tỉnh là thờ cá voi (thần Nam Hải), nêu cao tinh thần đoàn kết, cầu mong cuộc sống thái bình, thịnh vượng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha - thành viên Hội đồng giám khảo Liên hoan, chia sẻ: “Tại Liên hoan lần này, các đội bả trạo đã thể hiện được bản sắc riêng của từng địa phương. Tôi đánh giá cao Đội bả trạo thôn Bình Thái, xã Phước Thuận và Đội bả trạo xã Nhơn Hải hát hay, diễn đẹp, giữ nguyên bản sắc. Điều đáng mừng là lực lượng của các đội tham gia phần đông là lớp trẻ. Tôi mong sẽ có thêm nhiều sân chơi văn hóa bổ ích tương tự để các địa phương có dịp giao lưu, chung tay bảo tồn nghệ thuật bả trạo”.
Một điểm thú vị là Liên hoan được khá nhiều du khách đón nhận nồng nhiệt. Anh Ngô Tuấn, du khách đến từ TP Hà Nội, cho hay: “Tôi đến Quy Nhơn du lịch đúng dịp có Liên hoan Chèo bả trạo. Lần đầu tiên được xem nghệ thuật này, mặc dù không hiểu lắm, nhưng tôi thấy các đội biểu diễn rất hay, trang phục, hóa trang đầy màu sắc lôi cuốn, khiến du khách phương xa như tôi rất thích thú khi đến với Quy Nhơn - Bình Định. Nếu Ban tổ chức giới thiệu qua hoặc có tài liệu hướng dẫn có lẽ sẽ còn thu hút hơn”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN