Kỷ niệm 116 năm ngày mất danh nhân văn hóa Đào Tấn
Ngày 30.8 (rằm tháng 7 năm Quý Mão), tại Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn (thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), UBND huyện Tuy Phước trang trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 116 năm ngày mất danh nhân văn hóa Đào Tấn (1907 - 2023).
Tại buổi Lễ, các đại biểu tiến hành dâng hương tưởng nhớ cụ Đào Tấn và cùng nhau ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đào Tấn - danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà soạn tuồng, nhà hoạt động sân khấu xuất sắc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người đã có công đưa nghệ thuật tuồng lên đỉnh cao chói lọi gắn liền với những kiệt tác sân khấu bất hủ, như: Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm hương các… Đào Tấn là vị quan của triều Nguyễn, từng nhiều lần đảm nhiệm các chức vụ Tổng đốc, Thượng thư; đồng thời cũng là một nghệ sĩ lớn ở thế kỷ XIX. Ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng gần 40 vở tuồng bất hủ và hơn 100 bài thơ, từ và tập bút ký Mộng mai văn sao; ông còn là nhà lý luận sân khấu đầu tiên của Việt Nam với công trình Hý trường tùy bút. Ông là người đầu tiên mở “Học bộ đường” - trường đào tạo chính quy ở Nghệ An, Bình Định… tạo thành một hệ thống phong cách nghệ thuật hoàn chỉnh và độc đáo.
Biểu diễn trích đoạn tuồng của Đào Tấn “Hộ sanh đàn”. Ảnh: M.Miên
Tháng 9.2015, nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày sinh của Đào Tấn, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn tại quê hương nơi ông sinh ra và lớn lên, công trình được khánh thành vào năm 2016.
Sau nghi thức lễ dâng hương, Ban tổ chức chiếu phóng sự về thân thế, sự nghiệp Danh nhân Văn hóa Đào Tấn, tổ chức biểu diễn trích đoạn tuồng của Đào Tấn “Hộ sanh đàn”. Trước đó, Ban tổ chức đã khai mạc hoạt động vẽ Mặt nạ tuồng và trao thưởng cho các em học sinh tham gia.
Dịp này, Đoàn tuồng Đào Tấn tổ chức biểu diễn 3 đêm hát tuồng (từ 14 đến 16 tháng Bảy âm lịch ) tại khuôn viên Đền thờ Đào Tấn, phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn.
MỘC MIÊN