Ðổi mới giáo dục toàn diện, đi vào chiều sâu
Chia sẻ cùng phóng viên Báo Bình Ðịnh trước thềm năm học 2023 - 2024, Giám đốc Sở GD&ÐT Ðào Ðức Tuấn cho hay, đây là năm học yêu cầu đổi mới toàn diện, đi vào chiều sâu của giáo dục. Với nhiều thách thức về đội ngũ, cơ sở vật chất… đòi hỏi toàn ngành GD&ÐT tỉnh phải nỗ lực vượt qua.
*Như vậy năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tập trung vào những trọng tâm nào, thưa ông?
- Toàn ngành xác định tập trung 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý là tiếp tục tham mưu HĐND, UBND tỉnh thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển GD&ĐT; rà soát việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm học, đặc biệt là 14 chỉ tiêu phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên. Triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 ở các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 và tiếp tục thực hiện nội dung dạy học các lớp 5, 9, 12 chương trình GDPT 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp, tiếp cận chương trình GDPT 2018.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp. Sở GD&ĐT cùng các địa phương sẽ tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao (ưu tiên mầm non, tiểu học); sắp xếp, điều tiết hợp lý để khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ, bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP.
Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm chương trình GDPT 2018, nhất là giáo dục mầm non, GDPT vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD&ĐT; tăng cường các điều kiện và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin dạy - học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học mới là triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018. Ảnh: M.H
* Năm học này, toàn tỉnh có 338.149 học sinh, tăng khoảng 9.000 học sinh…
- Vì thế, đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là vấn đề hết sức cấp thiết, đặc biệt là đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất triển khai chương trình GDPT 2018 các lớp 1, 2, 3, 4 học 2 buổi/ngày.
Đến nay, Sở GD&ĐT và các địa phương đầu tư xây mới 464 phòng học, 193 phòng bộ môn, 115 phòng chức năng và hiệu bộ, 81 nhà vệ sinh, 53 phòng ở học sinh và 77 công trình phụ trợ khác; đồng thời cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 534 phòng học, 42 phòng bộ môn, 67 phòng chức năng và nhà hiệu bộ, 56 nhà vệ sinh, 38 phòng ở học sinh, 127 công trình phụ trợ khác.
Về đội ngũ giáo viên, đầu năm học 2023 - 2024, toàn ngành được giao 16.892 biên chế, hiện đã tuyển dụng 15.205. Tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình bậc học mầm non là 1,94, tiểu học là 1,47, THCS là 1,87, THPT là 1,96. Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện đang triển khai công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học trong số biên chế được giao để cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
*Thưa ông, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục…
- Ngành giáo dục sẽ khẩn trương thực hiện đảm bảo các điều kiện và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy - học trực tuyến và trong kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Tiếp tục xây dựng hạ tầng CNTT, xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành.
Toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”…
Tiếp tục tuyển dụng giáo viên trong năm học mới để cơ bản khắc phục thiếu giáo viên. - Trong ảnh: TP Quy Nhơn là địa phương dẫn đầu tỉnh về thiếu giáo viên. Ảnh: M.H
* Trước thềm năm học mới, ông có chia sẻ gì thêm?
- Năm học này, toàn ngành tiếp tục thực hiện chương trình GDPT 2006 và chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Để việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất chính là người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn nhà trường, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch thời gian năm học.
Các trường cũng phải đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, học viên. Tăng cường phòng, chống bạo lực học đường, hướng dẫn kỹ năng hỗ trợ, xử lý tình huống cho giáo viên và kỹ năng tự xử lý cho học sinh khi gặp tình huống có liên quan.
Nhà trường phải chú trọng tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn, chủ động đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học; tổ chức tốt các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, lồng ghép định hướng nghề nghiệp, triển khai giáo dục STEM hướng đến đào tạo nguồn nhân lực.
Chú trọng đổi mới quản trị trường học, coi trọng việc tạo động lực cho người dạy và người học; giao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên trong xây dựng kế hoạch, phát triển chương trình giáo dục. Công tác quản lý, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ quản lý phải đi vào thực chất, Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT sẽ lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ và hiệu quả công việc làm tiêu chí đánh giá…
* Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)