“Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” & “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới”
Bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết năm 1948 trên chiến khu Việt Bắc là bài thơ sống mãi trong lòng người Việt. Trong bài thơ có hai câu thơ thật đặc biệt mà tôi muốn chọn làm tiêu đề cho bài viết này. Hai câu thơ ấy, theo thứ tự trong bài thơ thì câu sau xếp trên câu trước, nhưng tôi xin phép tác giả đổi lại vị trí, câu “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” xếp trước, còn câu “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới” xếp sau.
Bởi một lý do khá giản dị, câu thơ “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” tiêu biểu cho cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, còn câu thơ “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới” lại tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài tới 9 năm. Và sau nữa, là cuộc kháng chiến chống Mỹ giành Hòa bình và Thống nhất cho đất nước kéo dài 21 năm, tới ngày 30.4.1975. Một câu thơ như có tầm nhìn dự báo tận mấy chục năm sau.
Tại sao lại “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”? Cứ nhìn vào lịch sử đất nước mình, chúng ta dễ dàng thấy rõ. “Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây” (nhạc Trịnh Công Sơn). Chỉ tới ngày 19.8.1945, cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất mới đưa đất nước và dân tộc ta thoát vòng nô lệ, cởi bỏ ách đô hộ, nhân dân ta mới được “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Cú đứng lên đẹp và oai hùng đến mức không một người Việt Nam nào không tự hào. Tới Vua Bảo Đại cũng phải tự hào khi mình được làm công dân một nước Độc lập cơ mà!
Ngày 2.9.1945, chỉ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công ngót nửa tháng, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc “Tuyên ngôn Độc lập”. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa ở đây là sự sáng lòa của chính nghĩa, như đoạn kết bản “Tuyên ngôn Độc lập” đã rành rọt tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa! Là như vậy.
Mít tinh Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội (ngày 19.8.1945). Ảnh tư liệu
Và tới ngày 19.12.1946, Bác Hồ lại kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đất nước lại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” một lần nữa, nhưng lần này, sự sáng lòa bắt đầu từ vầng trán: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Và bắt đầu từ lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến này của Bác Hồ, câu thơ của Nguyễn Đình Thi “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới” cũng bắt đầu khẳng định ý nghĩa. Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống kẻ thù cũ trong điều kiện mới, thì trán phải “cháy rực” lên những tư duy mới, phải nghĩ “trời đất mới” sẽ thế nào khi chúng ta chiến thắng kẻ thù này. Suốt 9 năm kháng chiến, từ tầm vông lao vào bầy giặc cướp, chúng ta đã có những vũ khí tuyệt vời của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, từ trung đoàn Thủ đô chiến đấu trong lòng Hà Nội hơn một tháng, sau đó rút qua gầm cầu Long Biên vào một đêm đen đặc để lên chiến khu tiếp tục kháng chiến:
“Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca”
(Cảm xúc tháng Mười, nhạc Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên)
Trong trung đoàn Thủ đô rút qua gầm cầu Long Biên đêm lạnh, có nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Và câu thơ “ trán cháy rực nghĩ trời đất mới” có thể đã hình thành từ cái đêm không thể nào quên ấy.
Và tới chiến dịch Điện Biên Phủ, câu chuyện “kéo pháo vào lại kéo pháo ra” nhờ tư vấn sáng suốt của tướng Phạm Kiệt đã góp phần rất quan trọng mang lại ngày chiến thắng cuối cùng mùng 7.5.1954. Đó cũng là ngọn lửa cháy lên từ vầng trán của người Việt Nam với trí tuệ tuyệt vời khi đánh giặc.
Chúng ta đã có ngày 2.9.1945, đã có ngày 19.12.1946, đã có ngày 10.10.1954 khi trung đoàn Thủ đô rầm rập tiến vào Hà Nội được giải phóng. Và đã có ngày 17.7.1966, toàn cõi Việt Nam vang lên Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong lời kêu gọi lịch sử ấy, có câu nói nổi tiếng bất hủ và đã trở thành chân lý của mọi thời đại: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO”.
Bác Hồ nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”
Một lần nữa, vầng trán Bác Hồ, vầng trán người Việt Nam lại “cháy rực nghĩ trời đất mới”, khi Bác Hồ hình dung “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Ngày ấy đã đến từ 48 năm trước. Ngày 30.4.1975. Và hôm nay, đất nước ta đang vươn lên, phấn đấu trở thành một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới” là như vậy.
Khi tôi viết những dòng này, ngày Quốc khánh 2.9.2023 đang đến với đất nước ta, đến với những miền đất gần và xa trên khắp đất nước, trong đó có “Đất võ trời văn” Bình Định. Trong cảm thức và tình yêu của tôi, vùng đất lịch sử này đã và luôn biết cách vươn mình đứng dậy thật mãnh liệt theo cái cách của riêng nó.
Tôi đã có may mắn được sống và sáng tác trong 10 năm ở Quy Nhơn - Bình Định và cũng khá thường xuyên đến Bình Định. Nhưng mỗi khi có dịp vào Bình Định - Quy Nhơn, một nỗi ngạc nhiên đến kỳ lạ vẫn cứ lại xâm chiếm tâm hồn tôi. Bình Định và Quy Nhơn đổi thay nhanh quá, đổi thay nhiều quá. Và đổi thay theo hướng tích cực, hướng của mục tiêu thịnh vượng mà cả đất nước đang nhắm tới.
Xin chúc mừng vùng đất thân yêu của tôi, ở đó tôi viết được nhiều tác phẩm ưng ý, được khẳng định con đường thơ ca, con đường văn học của mình. Xin cảm ơn Quy Nhơn - Bình Định vô vàn mến thương!
THANH THẢO