Tích hợp văn hóa Đông - Tây, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. Ở Người, văn hóa Đông - Tây hòa quyện với lý tưởng XHCN trên cơ sở truyền thống văn hóa dân tộc.
Ba mươi năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, nhưng Người vẫn giữ nguyên tình cảm với quê hương, gia tộc, vẫn giữ giọng quê xứ Nghệ, xa quê hơn nửa thế kỷ khi về lại vẫn nhớ và nhận ra người bạn thuở ấu thơ… Suốt cuộc đời, Người luôn thể hiện lối sống hài hòa, giản dị, chân tình, kính già mến trẻ, quý trọng phụ nữ, chung thủy với bạn bè, chan hòa với thiên nhiên… Có thể nói con đường phát triển từ một thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đến một Hồ Chí Minh sáng ngời thế giới chính là con đường vận dụng nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây, chủ nghĩa Mác - Lê Nin với lòng yêu nước tha thiết.
1. Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình Nho giáo nên Người đã học hỏi ở Nho giáo quan niệm về vai trò quan trọng của giáo dục cải tạo con người. Chúng ta bắt gặp không ít ở bài nói, viết của Người có trích dẫn hoặc vận dụng câu nói của Khổng Tử. Tinh thần nhân ái từ bi, lối sống coi nhẹ hình thức của Người có lẽ chính những tín đồ Phật giáo, những người hâm mộ Lão Trang sẽ nhận ra ngay. Người bộc lộ ước mơ rất Việt Nam và rất Lão Trang. Một trong những mơ ước của Người là
“... Sau khi hoàn thành trách nhiệm… Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với danh lợi...”. Và khi trở thành nguyên thủ, cuộc sống thanh đạm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội ở nhà sàn trong vườn cây, bên ao cá là sự hiện thực hóa một phần ước muốn đó.
Người luôn bộc lộ khuynh hướng tư duy tổng hợp và trực giác. Người rất thích tóm gọn phép ứng xử trong một vài từ: Đường lối đoàn kết, cách sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Độc lập tự do hạnh phúc… Kết hợp nhuần nhuyễn lối tư duy tổng hợp của truyền thống văn hóa nông nghiệp phương Đông với phương pháp tư duy phân tích dựa trên lý tính của văn hóa truyền thống phương Tây. Phối hợp cả lối sống cộng đồng coi trọng tập thể của truyền thống Việt Nam với lối sống phương Tây, coi trọng cá nhân con người. Ta dễ dàng nhận ra ở Người phong cách tỉ mỉ, chi tiết và cách trình bày, lập luận chặt chẽ đầy sức thuyết phục từ những bài báo đơn giản cho đến những bài nói chuyện quan trọng.
2. Tích hợp các giá trị văn hóa Đông - Tây không phải là vấn đề mới, nhưng Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đưa vấn đề lên một tầm cao khác khi kết hợp với tinh hoa của chủ nghĩa Mác - Lênin. Và Người đã đưa lý luận ấy vào thực tế của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói với một nhà báo: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước chúng tôi. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Thấu hiểu vai trò và tầm quan trọng của trí thức, từ năm 1946, Người đã trân trọng mời trí thức Việt kiều về xây dựng đất nước. Trong đó có những trí thức tiêu biểu như: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Võ Đình Quỳnh, Võ Đình Bông, Võ Qui Huân, Trần Hữu Tước… Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, trong bộn bề công việc, Người vẫn chú trọng đến phát triển nền giáo dục toàn dân. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “dốt cũng là một thứ giặc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội ngày 23.5.1957. Ảnh: TTXVN
3. Ngày 4.10.1945, Người phát động phong trào Bình dân học vụ. Ba năm sau đó, vào ngày 11.6.1948, khi đọc lời kêu gọi Thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích của Thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, trong khi trên thế giới, vấn đề xóa nạn mù chữ chỉ mới đặt ra gần đây trong khuôn khổ UNESCO.
Từ năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tết trồng cây”. Thực chất là trồng cây gây rừng để bảo vệ môi sinh và giữ cân bằng sinh thái; trong khi UNESCO mãi gần đây mới đề ra chương trình này.
Trên tinh thần dung hợp truyền thống, trong sách lược vắn tắt của Đảng 1930, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra đường lối đoàn kết rộng rãi toàn dân và xác định: “Phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để kéo họ đi về phía vô sản giai cấp”. Chính nhờ có đường lối này mà Người đã tập hợp, thu hút được nhiều nhân sĩ, trí thức lớn cùng toàn dân vượt qua hiểm nguy của thời điểm “vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc” để rồi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.9.1945), sau đó Người cùng với toàn Đảng lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động thế giới và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
***
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng vĩ đại của sự khẳng định độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Năm 1987, trong Nghị quyết “Về việc kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, UNESCO ghi rõ: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
NGUYỄN HOÀI SƠN – NGUYỄN BÁ THUYẾT