Thách thức càng lớn, quyết tâm càng cao
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, bên cạnh những thành quả quan trọng là nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua trên đường phát triển. Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.
Tăng trưởng trong gian khó
* Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đâu là những thành quả đáng chú ý, thưa đồng chí?
- Ngay sau Đại hội, Đảng bộ tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết, bám sát vào 5 trụ cột, 3 khâu đột phá với những nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn.
Tuy nhiên, bước vào thời gian đầu thực hiện Nghị quyết, Bình Định và cả nước phải đương đầu với đại dịch Covid-19 - khó khăn vượt ngoài dự lường của các phương án, kế hoạch chúng ta đã đề ra. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến một số chỉ tiêu quan trọng đề ra từ Nghị quyết không thể đạt được, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP.
Giữa muôn vàn khó khăn, với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, chúng ta vẫn đạt một số chỉ tiêu tốt, như về thu ngân sách, phát triển nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ huy động vốn đầu tư/GRDP… Đặc biệt, Bình Định là một trong số ít các tỉnh ở khu vực miền Trung có mức tăng trưởng dương trong năm 2021 (4,3%) và 2022 (8,4%). 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của Bình Định tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố; quy mô nền kinh tế đến nay xếp thứ 6/14 tỉnh, thành miền Trung.
Đáng chú ý, nửa đầu nhiệm kỳ qua, tỉnh rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, với nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Điển hình là tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639) đang dần hoàn thiện, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và các địa phương ven biển. Cùng với đó là nhiều công trình mới trên lĩnh vực y tế, giáo dục. Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa chính thức đi vào hoạt động, trở thành điểm nhấn độc đáo riêng có của Bình Định.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Ảnh: HỒNG PHÚC
* Trong quá trình thực hiện Nghị quyết đến nay, theo đồng chí, bài học kinh nghiệm rút ra là gì?
- Đầu tiên phải kể đến sự đoàn kết trong Đảng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Bài học về tinh thần đoàn kết thể hiện rõ nhất trong những tháng ngày chúng ta phải đương đầu với dịch Covid-19, sau đó là giai đoạn phục hồi KT-XH đầy gian khó.
Thứ hai, chủ trương phải đúng, kịp thời, phù hợp với thực tiễn mới tạo ra động lực phát triển.
Thứ ba, phải huy động nguồn lực hiệu quả để thực hiện chủ trương, biến ý tưởng thành hiện thực.
Thứ tư, con người là yếu tố quan trọng nhất; phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng, nhất là cán bộ lãnh đạo; tăng cường củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ năm, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện.
Và cuối cùng, phải có cơ chế đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư tin tưởng đến với Bình Định.
Đây là những bài học có giá trị lâu dài, mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra đầu tháng 2.2023 tại TP Quy Nhơn. Ảnh: HỒNG PHÚC
Định hình không gian phát triển mới
* Rõ ràng, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ tỉnh đứng trước thách thức vô cùng lớn…
- Đúng vậy. Tốc độ tăng trưởng GRDP thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng; nếu thời gian đến tăng trưởng không đạt mức 2 con số thì sẽ càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó là hạn chế về nguồn lực cho phát triển, xuất phát từ khó khăn của Nhà nước lẫn khối tư nhân. Bình Định có khoảng 8.000 DN, nhưng chủ yếu vẫn là DN nhỏ và siêu nhỏ. Nếu không có được “sếu đầu đàn”, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp thì rất khó để bứt tốc phát triển nhanh trong thời gian đến.
Mặt khác, trong đội ngũ cán bộ của chúng ta nhiều người chưa dám nghĩ, dám làm, dám tạo đột phá; thậm chí có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc. Để khắc phục tình trạng này, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ngoài ra, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng ở cơ sở còn hạn chế, chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639) đang dần hoàn thiện, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và các địa phương ven biển. - Trong ảnh: Tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639) đoạn qua phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
* Khó khăn nhiều, thách thức lớn đòi hỏi quyết tâm cao cùng ý chí bền bỉ để đạt được khát vọng trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung như Nghị quyết đã đề ra. Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến?
- Đảng bộ tỉnh đã và đang tiến hành sơ kết 7 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tiến tới sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Quá trình thực hiện phải đánh giá đầy đủ, chính xác, trung thực kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế mang tính khách quan lẫn chủ quan. Có vậy, chúng ta mới hoạch định được những nhiệm vụ phù hợp, giải pháp khả thi cho thời gian đến; làm cơ sở để các cấp, ngành, địa phương và từng cá nhân thực hiện với nỗ lực, quyết tâm cao nhất.
Trước mắt, sẽ tiếp tục thực hiện 5 trụ cột và 3 khâu đột phá đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ, nhất là tập trung đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để định hình không gian phát triển mới cho Bình Định, tạo động lực khai thác các dư địa còn lại cho tăng trưởng thời gian đến. Đặc biệt là giai đoạn 2026 - 2030, Bình Định phải đạt tăng trưởng ở mức 2 con số mới có thể “bù đắp” cho giai đoạn tăng trưởng chậm vừa qua. Tăng trưởng gắn với chuyển đổi dần sang kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định thông qua vào đầu tháng 8.2023. Theo Quy hoạch, cấu trúc không gian đô thị của Bình Định phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế. Trong 2 vùng kinh tế, phân vùng Bắc gồm 4 đơn vị hành chính: TX Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão, được xác định là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển chuyên dùng, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao. Phân vùng Nam gồm 7 đơn vị hành chính: TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh; là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: Công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải biển, đô thị thông minh.
Trong 3 cực phát triển, TP Quy Nhơn và vùng phụ cận được xác định là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Nam tỉnh; TX Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh; huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh.
Trong 3 hành lang kinh tế, hành lang kinh tế Bắc - Nam phát triển dọc theo tuyến cao tốc Bắc - Nam, QL 1, kết nối các đô thị và cụm công nghiệp, khu công nghiệp của Bình Định với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp dọc Duyên hải miền Trung, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc - Nam. Hành lang kinh tế biển phát triển dọc tuyến đường bộ ven biển
(ĐT 639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông - Tây của QL 19, thúc đẩy giao thương kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
* Trân trọng cảm ơn đồng chí!
‘Quá trình sơ kết 7 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX phải đánh giá đầy đủ, chính xác, trung thực kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế mang tính khách quan lẫn chủ quan. Có vậy, chúng ta mới hoạch định được những nhiệm vụ phù hợp, giải pháp khả thi thời gian đến; làm cơ sở để các cấp, ngành, địa phương và từng cá nhân thực hiện với nỗ lực, quyết tâm cao nhất”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)