Để tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo, đảng viên là nhân tố nòng cốt
Mỗi tổ chức đảng phải thật sự là hạt nhân lãnh đạo, mỗi đảng viên là nhân tố nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của cơ quan, địa phương, đơn vị là yêu cầu quan trọng đặt ra qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025”.
Ghi nhận cách làm mới, sáng tạo
Qua giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (CTHĐ số 05) thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025”, một số chỉ tiêu quan trọng đã thực hiện đạt, góp phần mang lại chuyển biến tích cực.
Cụ thể, về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng TCCSĐ, có 19,7% TCCSĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 73,8% TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 6,3% TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ; không có TCCSĐ không hoàn thành nhiệm vụ (Chỉ tiêu phấn đấu hằng năm, trên 90% TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ; hạn chế TCCSĐ không hoàn thành nhiệm vụ dưới 0,3%).
Về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, có 11,7% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ so với tổng số đảng viên được đánh giá, xếp loại và đạt tỷ lệ 13,5% so với số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; 79,7% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; 8% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 0,4% đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ (Chỉ tiêu hằng năm, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 90% trở lên, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ dưới 0,4%).
Kết quả về trình độ lý luận chính trị, hiện có 4.354/4.693 cấp ủy viên cơ sở đã đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, đạt tỷ lệ 92,7% (chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, có trên 90% cấp ủy viên cơ sở có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên).
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ, điểm đáng chú ý qua nửa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 05 là ghi nhận một số cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Các TCCSĐ từng bước nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, kế hoạch của đảng bộ, chi bộ sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết có nhiều đổi mới, nhiều nơi đã tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng các nghị quyết chuyên đề.
Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt, sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên và xây dựng mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Tinh thần trách nhiệm, phương pháp điều hành của bí thư cấp ủy được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố; cán bộ, chuyên viên dự sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố. Giới thiệu 6.779 đảng viên đang công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp với cấp ủy nơi cư trú để phân công phụ trách hộ gia đình; phân công 31.098 đảng viên ở thôn, khu phố phụ trách 375.946 hộ gia đình.
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Tỉnh ủy dự buổi sinh hoạt tháng 8.2023 của Chi bộ Khu phố Đệ Đức 1, phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Đổi mới để phù hợp thực tiễn
Bên cạnh nhiều kết quả đáng ghi nhận, quá trình thực hiện CTHĐ số 05 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Bên cạnh công tác kết nạp đảng viên (3,1%) chưa đạt chỉ tiêu đề ra (trên 4%), đáng chú ý là chất lượng đảng viên ở một số cơ sở chưa cao; công tác quản lý đảng viên nhất là đảng viên đi làm ăn xa còn khó khăn, bất cập, còn đảng viên bị xóa tên.
“Người lao động dịch chuyển giữa các địa bàn là điều bình thường; đảng viên phải đi làm ăn xa vì cuộc sống, vì thu nhập là thực tiễn đặt ra. Việc quản lý đảng viên, tổ chức sinh hoạt chi bộ cần linh hoạt về thời điểm, áp dụng hiệu quả thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến, sinh hoạt theo tổ đảng. Việc gì không vi phạm nguyên tắc của Đảng, tạo thuận lợi cho đảng viên thì ta phải cân nhắc, tính toán”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy LÊ KIM TOÀN
Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều cán bộ trực tiếp phụ trách công tác xây dựng đảng. Theo Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Hoài Nhơn Võ Ngọc Bình, thực tế đáng lo ngại là tình trạng đảng viên sau khi xuất ngũ bỏ sinh hoạt đảng với lý do đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ cao trong số các trường hợp bị xóa tên. Nhiều bí thư chi bộ ở khu dân cư “ngại” không muốn tiếp nhận số đảng viên là quân nhân xuất ngũ chuyển về sinh hoạt.
Tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt với lý do bận làm ăn, mưu sinh cũng diễn ra khá phổ biến với nhiều TCCSĐ khác. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Kế Đấu cho hay, có trường hợp “nại” lý do làm ăn xa để vắng sinh hoạt đảng. Khi hỏi kỹ mới biết nhiều trường hợp chỉ làm công nhân ở Tây Sơn, Khu công nghiệp Nhơn Hòa (TX An Nhơn)… chứ chẳng xa xôi gì. “Đảng viên được kết nạp trong quân đội, khi về địa phương không tham gia sinh hoạt đầy đủ dẫn đến bị xóa tên tác động không tốt đến sự phấn đấu của quần chúng ở nông thôn”, ông Đấu nhìn nhận.
Trước tình hình đó, đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện CTHĐ số 05 cho rằng, người lao động dịch chuyển giữa các địa bàn là điều bình thường; đảng viên phải đi làm ăn xa vì cuộc sống, vì thu nhập là thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, từng đảng viên phải có ý thức gắn bó với Đảng; sáng đi làm chiều về mà xin vắng sinh hoạt đảng thì ý thức hạn chế, tổ chức đảng phải có hình thức giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên.
“Sáng đi chiều về, làm ca kíp mà mình cứ nhất nhất ngày 5 hằng tháng sinh hoạt chi bộ, 8 giờ hay 14 giờ bắt đầu, làm sao người ta bỏ việc mãi để sinh hoạt được. Vậy là không được. Có thể tổ chức sinh hoạt vào ban đêm, tạo điều kiện cho đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được không? Rồi việc thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến, sinh hoạt theo tổ đảng cần được hướng dẫn cụ thể hơn, để áp dụng hiệu quả trong thực tế. Việc gì không vi phạm nguyên tắc của Đảng, tạo thuận lợi cho đảng viên thì ta phải cân nhắc, tính toán”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy gợi ý.
Đồng chí Lê Kim Toàn cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đảng viên để mỗi tổ chức đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo, mỗi đảng viên là nhân tố nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của cơ quan, địa phương, đơn vị.
MAI LÂM