Tạo đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao
Tỉnh Bình Định đang tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Chương trình hành động số 07-CTr/TU về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025” nhằm mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn để nguồn nhân lực thật sự là 1 trong 3 khâu đột phá, tạo động lực phát triển.
Chương trình hành động số 07-CTr/TU (CTHĐ số 07) của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025” xác định 4 mục tiêu cụ thể : Đến năm 2025, đào tạo 650 nhân lực sau đại học phù hợp yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh (đào tạo ít nhất 10 tiến sĩ). 100% cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn chức danh theo quy định. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 66%. Giải quyết việc làm cho 30.000 lao động/năm.
Trường ĐH Quy Nhơn bắt tay hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ cho tổ chức, DN.Ảnh: M.H
Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Sau nửa nhiệm kỳ triển khai, việc thực hiện CTHĐ số 07 ghi nhận những kết quả nhất định. Hiện, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện có trình độ chuyên môn sau đại học đạt 10,1%; cán bộ cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 91,49%, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 83,42%.
Tỉnh triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách thu hút, ưu đãi đối với bác sĩ, dược sĩ; chính sách hỗ trợ cán bộ luân chuyển, điều động… Hợp tác toàn diện với các trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và một số viện nghiên cứu nhằm triển khai đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của tỉnh về du lịch, công nghệ thông tin...
Công tác đào tạo nghề được quan tâm, liên kết hợp tác trong đào tạo nghề được mở rộng. Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch có chuyển biến, đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh du lịch theo cơ chế thị trường. Một số DN, đơn vị kinh doanh du lịch có đội ngũ lao động có chất lượng khá, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Tuy vậy, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi cũng nhìn nhận việc thực hiện CTHĐ số 07 còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đáng chú ý ở chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trừ lĩnh vực y tế), đến nay trên thực tế vẫn chưa thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao về làm việc tại tỉnh. Trong khi đó, chất lượng đội ngũ lao động ngành du lịch còn thấp, nhân lực lĩnh vực chuyển đổi số còn mỏng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, giai đoạn 2021 - 2022 đã thu hút 34 bác sĩ, dược sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế, với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Nhiều bác sĩ được cử đi đào tạo tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh để tiếp nhận, triển khai kỹ thuật điều trị mới. Dù vậy, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế chưa đồng đều, đặc biệt còn thiếu chuyên gia giỏi về các lĩnh vực chuyên sâu tại một số cơ sở y tế.
Nhu cầu nhân lực trên lĩnh vực công nghệ số ngày càng cao. Ảnh: M.H
Gắn kết 3 khâu đào tạo, sử dụng, đãi ngộ
Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT Quy Nhơn Vũ Văn Đông cho hay: FPT có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực công nghệ cao. Đây luôn là bài toán của FPT và cũng là kỳ vọng với tỉnh trong việc quan tâm hơn công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để giải quyết điều kiện đủ cho DN hoạt động lĩnh vực công nghệ cao.
Nhu cầu nhân lực cao như FPT đề cập đang ngày càng cấp thiết, đòi hỏi cần gắn kết 3 khâu đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn Đỗ Ngọc Mỹ cho biết, trường đang hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng với 21 trường đại học, tổ chức giáo dục thuộc 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trường cũng tham gia thực hiện nhiều dự án lớn do quốc tế tài trợ như dự án Team, Moma, IUC…; chú trọng triển khai các chương trình hợp tác với các đối tác châu Âu. Đặc biệt, xúc tiến hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… đào tạo phục vụ nhân lực cho các DN nước ngoài đầu tư vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trước hết là tại Bình Định.
Ông Lê Hoàng Nghi cho hay, tỉnh xác định từ nay đến năm 2025 cần rà soát để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà CTHĐ số 07 đã đề ra. Trong đó, quan tâm đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổ chức, phối hợp với các trường đại học, DN, đơn vị công nghệ thông tin lớn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, chuyên sâu, tập huấn kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số.
Ngành y tế đẩy mạnh mời chuyên gia đầu ngành vào đào tạo tại chỗ theo hình thức “cầm tay chỉ việc” và chuyển giao công nghệ trực tiếp; đào tạo tiến sĩ, chuyên khoa II ở các lĩnh vực tim mạch, nội, ngoại, tiết niệu, thần kinh, sọ não, ung bướu… Lựa chọn cán bộ y tế trẻ đã được đào tạo cơ bản cử đi đào tạo chuyên sâu, ưu tiên chuyên ngành còn thiếu.
Tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, xây dựng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ công chức, viên chức cử đi đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng học sinh đạt loại giỏi trở lên, sau khi tốt nghiệp về phục vụ lâu dài cho tỉnh; xây dựng thêm cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với người sử dụng lao động, sử dụng nhân lực chất lượng cao....
THU HIỀN