Bốn khâu đột phá để phát triển của Tuy Phước
Vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuy Phước đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp cho 4 khâu đột phá để đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025 và phấn đấu trở thành thị xã trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đầu tư giao thông, phát triển đô thị
Trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Phước lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, huyện tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án giao thông trọng điểm qua địa bàn, như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh; dự án tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại. Huyện cũng đã hoàn thành đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, 95% đường liên thôn, liên xã ở Tuy Phước được bê tông hóa, nhựa hóa.
Với những nỗ lực đó, huyện Tuy Phước hiện có 4/13 đơn vị hành chính đã được UBND tỉnh công nhận đạt đô thị loại V, gồm: Thị trấn Tuy Phước, thị trấn Diêu Trì, đô thị Phước Lộc, đô thị Phước Hòa, và đang đề nghị UBND tỉnh công nhận xã Phước Sơn đạt chuẩn đô thị loại V.
Đầu tư nhiều cho quy hoạch, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện xã Phước Quang tiếp tục tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Đoàn Văn Điệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, chia sẻ: “Phước Quang là xã duy nhất của tỉnh được chọn triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh. Chúng tôi đã chọn thôn An Hòa để xây dựng thôn thông minh, tích cực triển khai chuyển đổi số, định danh điện tử mức độ 2, mở tài khoản dịch vụ công cho người dân... Xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 11 thôn để hỗ trợ người dân; đang xây dựng chính quyền điện tử, giúp người dân dễ dàng phản ánh các vấn đề liên quan để kịp thời xử lý”.
Tập trung phát triển hạ tầng đô thị, nhiều khu dân cư của Tuy Phước có sự đổi thay đáng kể. - Trong ảnh: Trung tâm xã Phước Sơn khang trang, sầm uất. Ảnh: ĐỨC MẠNH
Tập trung 4 khâu đột phá
Để hoàn thành các mục tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành kế hoạch nhằm xác định rõ những tiềm năng, lợi thế và những khó khăn. Trên cơ sở đó triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát huy lợi thế, khắc phục bất lợi, tạo động lực phát triển, xây dựng huyện Tuy Phước đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025 và phấn đấu trở thành thị xã giai đoạn 2026 - 2030.
“Khi xây dựng kế hoạch Khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển, xây dựng huyện Tuy Phước đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025 và phấn đấu trở thành thị xã giai đoạn 2026 - 2030, việc xác định tiềm năng, lợi thế phải dựa trên cơ sở thực tế khách quan của từng ngành, lĩnh vực. Giải pháp thực hiện phải đảm bảo tính khả thi cao và tạo được sự chuyển biến mang tính đột phá nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế tạo thành động lực để phát triển. Việc triển khai phải đảm bảo sự phối kết hợp đồng bộ, hiệu quả, trách nhiệm giữa ngành với ngành, ngành với địa phương và ngược lại”.
Bí thư Huyện ủy Tuy Phước NGUYỄN VĂN HÙNG
Một trong những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho huyện là công nghiệp vừa và nhỏ, kho bãi, logistics. Huyện đã rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh bổ sung các cụm công nghiệp mới đã xác định trong quy hoạch chung của huyện Tuy Phước vào phương án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để sớm đưa vào sử dụng các dự án kho bãi logistics dọc QL 19 mới.
Công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với định hướng quy hoạch vùng huyện theo hướng đạt huyện nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành thị xã giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục được Tuy Phước triển khai, xem là khâu đột phá thứ hai. Trong đó, huyện chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo động lực phát triển.
Khâu đột phá thứ ba được huyện xác định là tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Huỳnh Nam chia sẻ: “Phát triển du lịch theo định hướng kinh tế du lịch với thương hiệu du lịch riêng là lĩnh vực được huyện kỳ vọng tạo sức bật cho kinh tế địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành tour du lịch đặc sắc, mang thương hiệu “Nước Mặn - Làng Sông” với các hoạt động: Tìm về nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, cơ sở in chữ Quốc ngữ; nghỉ dưỡng trải nghiệm trên đầm Thị Nại; tham quan các di tích văn hóa, danh thắng, trải nghiệm làng hoa kết hợp tham quan tháp Bình Lâm; thưởng thức các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian, các món ăn đặc trưng Tuy Phước...”.
Kết quả các chỉ tiêu chủ yếu qua nửa nhiệm kỳ (2020 - 2025) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện
- Tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn tăng bình quân 7,02%/năm (Nghị quyết 9,2%).
- Cơ cấu kinh tế cuối năm 2022: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 28,3% - Công nghiệp, xây dựng 50,98% - Dịch vụ 20,72% (Nghị quyết 27,2% - 51,3% - 21,5%).
- Thu ngân sách tăng bình quân 6,5%/năm (Nghị quyết 10%).
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm 2022 (Nghị quyết đến năm 2025 đạt 60 - 65 triệu đồng/người).
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5% (Nghị quyết 44%).
- Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 94,42% (Nghị quyết 95%).
ĐỨC MẠNH