An Lão quyết tâm thoát nghèo vào năm 2025
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, Đảng bộ huyện An Lão đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo; phấn đấu đến năm 2025 sẽ thoát nghèo và trở thành huyện trung bình khá trong khu vực miền núi của tỉnh.
Quyết tâm giảm nghèo
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế; song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Lão đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, thực hiện quyết liệt các biện pháp giảm nghèo bền vững. Theo đó, chỉ tiêu giảm hộ nghèo bình quân của huyện đề ra mỗi năm đạt từ 6 - 7%; qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, huyện đã đạt mức 6 - 6,3%.
Để có được kết quả này, Đảng bộ huyện An Lão đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền chú trọng vào mục tiêu giảm nghèo và đưa vào các chương trình hành động, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, lồng ghép thực hiện hiệu quả 3 chương trình Mục tiêu quốc gia. Từ đó, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn do Trung ương và tỉnh hỗ trợ (bình quân hằng năm hơn 250 tỷ đồng).
Kết quả, huyện đã đầu tư xây dựng mới 36 công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ các mô hình, dự án phát triển sản xuất, con giống cho người dân tại 9 xã, thị trấn; mở 9 lớp đào tạo nghề cho 305 người lao động…
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện có xã An Tân và An Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã An Hòa đạt đô thị loại V. Bình quân toàn huyện đạt 9,6 tiêu chí nông thôn mới/xã. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Mặt khác, các địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất. Đã có hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ vay vốn để mua cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất, mở ra hướng thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, xác định phát triển du lịch cộng đồng là đòn bẩy không chỉ giúp người dân từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn góp phần thúc đẩy KT-XH, huyện đã tăng cường công tác quảng bá du lịch, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống, phi vật thể, di tích, sản phẩm đặc trưng. Người dân còn được hưởng lợi từ việc tham gia chăn nuôi, trồng rau sạch và các dịch vụ khác cung ứng cho các nhà hàng, phục vụ khách du lịch.
Đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông sản, mỹ nghệ tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện An Lão năm 2023. Ảnh: HỮU BÁ
Chú trọng tháo gỡ khó khăn
Theo Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Xuân Vĩnh, xác định công tác giảm nghèo là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển của huyện; Đảng bộ, chính quyền huyện đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động gắn với công tác giảm nghèo.
“Với mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, trở thành huyện trung bình khá của tỉnh, Đảng bộ huyện An Lão sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Huyện sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các nhà đầu tư, DN; sự tự lực vươn lên của người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo cần phải nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Nghị quyết 16/NQ-HDND, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra”.
Bí thư Huyện ủy An Lão NGUYỄN XUÂN VĨNH
Song, số lượng hộ nghèo đa chiều của huyện vẫn còn cao với 4.117 hộ. Nguyên nhân phát sinh nghèo là các hộ không có đất, vốn sản xuất; không có công cụ, kiến thức, kỹ năng lao động... Đó chính là các yếu tố tác động đến công tác giảm nghèo của huyện.
Với quyết tâm thoát nghèo, HĐND huyện vừa ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HDND về việc thông qua Đề án thoát nghèo huyện An Lão đến năm 2025, với mục tiêu giảm hộ nghèo đa chiều bình quân từ 9%/năm trở lên.
Huyện ủy cũng chỉ đạo UBND huyện sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Có chính sách hỗ trợ, thu hút các DN, HTX đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tạo thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo niềm tin cho người dân yên tâm sản xuất.
Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu lao động, phù hợp với các dự án phát triển KT-XH trọng tâm của huyện và nhu cầu tuyển dụng của DN.
Tập trung phát triển 3 làng du lịch cộng đồng và các sản phẩm phục vụ du lịch, xác định du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp gắn với lợi thế cảnh quan địa phương, tạo cơ hội và kêu gọi người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động phục vụ khai thác du lịch cộng đồng, tạo ra nguồn sinh kế bền vững.
Đặc biệt, cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương, chú trọng phát triển các sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao theo chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân...
Một số kết quả qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện An Lão lần thứ XIX
- Tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 1.626 tỷ đồng (đạt 64,9% chỉ tiêu Nghị quyết).
- Tỷ lệ giảm hộ nghèo giảm bình quân năm 2021 - 2022: 6 - 6,3% (Nghị quyết đề ra 6 - 7%).
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 83,1% (Nghị quyết đề ra trên 83,5%).
- Xây mới 3 trường học; 13/25 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 52% (vượt 0,1% so với Nghị quyết).
DUY ĐĂNG