Chuyện một người dẫn dắt phong trào bonsai
40 năm gắn bó, trải qua nhiều thăng trầm, nghề cây cảnh đã mang lại cho ông Trần Đình Hòa (SN 1967, ở thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) sự giàu có. Nhưng với ông Hòa, không chỉ có vậy. Cây cảnh còn giúp ông có thêm sân chơi hữu ích, lan tỏa niềm yêu thích cây cảnh cho nhiều người, góp phần đưa phong trào sinh vật cảnh của huyện Phù Cát phát triển.
Vươn lên từ số không
Nhà vườn của nghệ nhân Trần Đình Hòa xanh mát, được tô điểm bởi hàng trăm loại cây cảnh như sanh, sam, duối, cần thăng, hải châu, linh sam, mai chiếu thủy… đa dạng dáng thế, bài trí đẹp mắt nằm giữa ngôi nhà lá mái Bình Định khiến ai bước vào cũng trầm trồ.
Nghệ nhân Trần Đình Hòa và một trong các tác phẩm bonsai của mình. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Mời tôi vào nhà uống nước, ông Hòa vui vẻ kể: “Ngôi nhà cổ này tôi mua năm 2011 với giá hơn 500 triệu đồng. Tôi muốn tái hiện một góc không gian xưa trong khu nhà vườn tôi có được nhờ nghề làm cây cảnh”.
Nhấp ngụm trà, ông Hòa hồi tưởng: “Thời bao cấp cuộc sống rất khó khăn, xứ Cát Tiến biệt lập, cách trở với các vùng khác. Tôi làm đủ thứ nghề, từ làm ruộng, trồng hoa lay ơn bán Tết, đến đi biển, làm thuê… để mưu sinh. Tôi nghĩ đến đủ thứ và làm hết mọi thứ mình nghĩ ra nhưng không làm gì liên quan đến… cây cảnh. Thế nhưng sau khi trải qua đủ thứ nghề, tôi quay về chọn nghề làm cây cảnh theo yêu thích của tôi thuở thiếu thời. Lúc đó tôi gần như không có gì, có thể nói là tay trắng, vậy mà nhờ nghề này, tôi có được cơ ngơi như bây giờ”.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Hòa vào nghề cây cảnh bằng việc trồng sanh, vừa trồng, vừa đạp xe đi khắp nơi mua cây về chăm sóc, tạo dáng, hoàn chỉnh rồi bán lại. Thời điểm từ năm 2007 - 2010, cây sanh được ưa chuộng trên thị trường cây cảnh, nhờ vườn sanh bề thế, kinh tế gia đình ông Hòa vươn lên khá giả. Về sau, khi sanh chớm rớt giá, ông chuyển hướng sang trồng, kinh doanh đa dạng chủng loại cây cảnh nghệ thuật, bonsai. Với sự cần cù, chịu khó làm nghề, ông Hòa có vốn mua thêm đất cất nhà, tậu thêm mảnh đất diện tích hơn 1.000 m2 và ngôi nhà lá mái Bình Định cổ kính để làm nhà vườn SVC.
Ông Hòa tâm tình: “Chơi cây cảnh, ngoài đam mê còn phải kiên nhẫn, sáng tạo, để cây có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn. Con đường đến thành công của tôi trải qua nhiều gian truân. Có những cây cảnh tôi phải mất rất nhiều năm, công sức, tiền bạc, làm đi làm lại nhiều lần mới ưng ý”.
Góp sức lan tỏa phong trào sinh vật cảnh
Không chỉ thành công với nghề làm cây cảnh, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội SVC huyện Phù Cát, ông Hòa đã “tiếp lửa” phong trào SVC ở địa phương phát triển, giúp nhiều người phát triển kinh tế từ nghề làm dịch vụ, kinh doanh cây cảnh. Nhà vườn của ông giờ là điểm đến quen thuộc của những người yêu thích cây cảnh không chỉ ở Phù Cát, trong tỉnh mà còn từ khắp nhiều tỉnh thành trong cả nước gặp nhau, chia sẻ chuyện nghề.
Tại Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh Bình Định tổ chức tại thị trấn Cát Tiến từ ngày 1 - 3.6.2023, dù thời gian gấp gáp sau khi UBND huyện đề nghị, nhưng ông Hòa cùng Hội SVC huyện Phù Cát đã tổ chức được cuộc triển lãm SVC tại nhà vườn của ông với quy mô hoành tráng, quy tụ hơn 150 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc, tạo thêm điểm nhấn cho Ngày hội, góp phần quảng bá du lịch của huyện Phù Cát.
Ông Hòa kể lại chuyện: “Lãnh đạo UBND huyện đến nhà gặp, ngỏ ý muốn tôi và anh em trong Hội SVC huyện Phù Cát làm triển lãm. Dù thời gian gấp, chỉ chuẩn bị trong 3 ngày, nhưng sau một lúc cân nhắc tôi tin chắc là làm được. Thứ nhất là lãnh đạo huyện đã tin cậy anh em SVC, thứ hai là chúng tôi đã có quan hệ sẵn nhiều năm qua, hiểu và biết cách giúp nhau. Điểm bất ngờ là đợt đó có nhiều nghệ nhân SVC trong và ngoài tỉnh khi nghe thông tin đã ngỏ ý đưa tác phẩm đến tham gia, nhưng do điều kiện về cơ sở vật chất, chúng tôi không dám nhận lời. Điều đó cho thấy sức hút của phong trào SVC ở địa phương”.
Nghệ nhân Trần Đình Hòa (bìa trái) chia sẻ chuyện nghề với các thành viên trong nhóm Biển Xanh bonsai. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Để gắn kết và tạo dựng phong trào SVC, ông Hòa chủ động kết nối với nhiều người cùng sở thích ở Cát Tiến thành lập nhóm Biển Xanh bonsai vào tháng 4.2023. Đến nay, nhóm đã thu hút hơn 100 người chơi cây cảnh trong và ngoài huyện tham gia, thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề; tổ chức triển lãm cây cảnh để giao lưu, quảng bá lan tỏa phong trào SVC.
“Nhóm Biển Xanh bonsai dự tính sẽ tổ chức nhiều cuộc triển lãm SVC ở địa phương với quy mô mở rộng vào dịp lễ, tết, hay Lễ hội chùa ông Núi vào tháng Giêng âm lịch hằng năm để quảng bá cây cảnh. Chúng tôi cũng tính sẽ đề nghị địa phương thành lập Hội SVC Cát Tiến để nâng tầm hoạt động”, ông Hòa thổ lộ.
Bằng những việc làm ý nghĩa góp phần phát triển phong trào SVC ở địa phương, nghệ nhân Trần Đình Hòa đã được các cấp ghi nhận khen thưởng. “Trung ương Hội SVC Việt Nam đã làm hồ sơ để xét tặng danh hiệu nghệ nhân SVC Việt Nam cho tôi trong năm nay. Đây là nguồn động viên, khích lệ tinh thần rất lớn để tôi nỗ lực hơn nữa, góp sức cùng anh em Hội SVC huyện Phù Cát đưa phong trào SVC phát triển gắn với phát triển kinh tế, du lịch trên lĩnh vực SVC…”, nghệ nhân Trần Đình Hòa tâm sự.
ĐOAN NGỌC