Tự hào là người lính mũ nồi xanh!
Đang tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan trong vai trò Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, TS.BS Nguyễn Hà Ngọc (quê TX An Nhơn, Phó Khoa Chấn thương thể thao Bệnh viện 175) đã chia sẻ với Báo Bình Định về công việc đáng tự hào này.
· Chào anh, hình ảnh chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc LHQ vốn chỉ quen thuộc trên... tivi, nên nom anh thật lạ! Để tham gia bệnh viện dã chiến lần này, cần thỏa mãn những điều kiện nào?
- Để trở thành một người lính mũ nồi xanh trong biên chế bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2, phải hội tụ các yếu tố như: Được huấn luyện đầy đủ các tiêu chí theo quy định của LHQ như lớp cấp cứu chấn thương (ITLS), lớp luật nhân đạo quốc tế và chống xâm hại tình dục (ICRC) theo tiêu chuẩn của Hội CTĐ thế giới, lớp cấp cứu đường không (AMET), và một số nội dung khác theo từng vị trí như lớp UNSOC, UNMO…
TS.BS Nguyễn Hà Ngọc (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội người Bình Định trước giờ lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ quốc tế. Ảnh: NVCC
Là sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng tôi còn cần thêm yêu cầu quan trọng là có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt. Cùng với đó, chúng tôi được huấn luyện theo chương trình do Bộ Tổng tham mưu phê duyệt dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình, như: Sử dụng thành thạo và lưu loát tiếng Anh, cấp cứu và điều trị hiệu quả các mặt bệnh theo quy định trong điều kiện của BVDC cấp 2, các mặt bệnh do tác hại của bom mìn, huấn luyện kỹ năng sinh tồn, võ thuật Akido, lái xe ô tô, các nguyên tắc ngoại giao…, và nhiều nội dung thuộc lớp huấn luyện tiền triển khai theo giáo án đặc biệt phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình.
· Anh có thể nói đôi chút về các điều kiện tại Nam Sudan?
- Nam Sudan là một đất nước hoàn toàn xa lạ và ngoài mọi tưởng tượng của tôi. Chúng tôi đóng quân tại thị trấn Bentiu, nơi đây chưa có đường nhựa, chưa có điện, điều kiện sống của người dân hết sức thô sơ. Mùa mưa thì tất cả sẽ biến thành những vùng đất dễ sa lầy, mùa khô thì nắng nóng vô cùng khắc nghiệt. Nhưng với kiến thức và kỹ năng đã được huấn luyện, cộng với quyết tâm tiếp cận và thích nghi với công việc trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi hỗ trợ nhau để cùng bắt nhịp vào việc ngay.
TS.BS Nguyễn Hà Ngọc (ngoài cùng bên trái) giao lưu với người bản địa Nam Sudan tại một lễ hội địa phương. Ảnh: NVCC
· Bên cạnh nhiệm vụ làm thầy thuốc điều trị đồng thời tổ chức phòng chống dịch bệnh cho người dân địa phương, còn có các hoạt động nào nữa không, thưa anh?
- Ngoài việc phải tuyệt đối an toàn trong chuyên môn (đảm bảo về y tế), phải thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của phái bộ LHQ, cán bộ thuộc BVDC cấp 2 số 5 (BVDC 2.5) cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhằm xây dựng hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, như các hoạt động thiện nguyện, giao lưu thể thao với các đơn vị bạn, quảng bá ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế… Cùng với đó, chúng tôi luôn chú trọng đào tạo và luyện tập mọi tình huống trong công tác sẵn sàng chiến đấu, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bệnh viện, không bị động trong mọi tình huống.
Cán bộ, nhân viên BVDC 2.5 đã vận chuyển đường không (MEDEVAC) thành công ca bệnh đầu tiên lên tuyến trên trong nhiệm kỳ mới của mình. Ảnh: NVCC
· Anh từng ra công tác tại Trường Sa, cũng là một khu vực thiếu thốn những điều kiện sinh hoạt, phải xa gia đình trong thời gian dài… Có sự khác biệt nào ở 2 đợt công tác dài ngày này?
- Tôi may mắn có những chuyến công tác và làm việc dài ngày (trên 1 năm) tại các địa bàn khác nhau như Trường Sa, Campuchia, Nam Sudan. Trường Sa và Nam Sudan đều có điểm chung là những vùng đất xa xôi, cán bộ, chiến sĩ phải làm việc trong môi trường độc lập, thiếu thốn về mặt vật chất, và đặc biệt phải xa gia đình. Tuy nhiên, lực lượng mũ nồi xanh lại mang trên mình những trọng trách cao hơn. Ngoài việc phải hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao, các chiến sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình phải tuân theo quy định và quy chế hoạt động của LHQ và luật pháp của quốc gia sở tại. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn mang trên mình trọng trách là “đại sứ” của Việt Nam trong mọi mối quan hệ, trong công việc, tiếp xúc với người dân địa phương và bạn bè quốc tế.
· Qua 2 tháng thực hiện nhiệm vụ quốc tế trong điều kiện hết sức khó khăn, anh cùng các đồng đội làm gì để giữ vững tinh thần, hoàn thành các nhiệm vụ được giao?
- Tự hào là “Bộ đội Cụ Hồ”, lại khoác trên người màu áo trắng của nhân viên y tế với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, nên cán bộ chiến sĩ BVDC 2.5 luôn ý thức được giá trị và ý nghĩa quốc tế khi đội trên đầu chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tu dưỡng, rèn luyện, làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục tỏa sáng trên lĩnh vực, nhiệm vụ mới, khẳng định hình ảnh, quan điểm Việt Nam luôn là bạn và thân thiện, trách nhiệm với bạn bè quốc tế.
BVDC 2.5 có 63 cán bộ nhân viên, được tập trung từ 7 đầu mối các đơn vị, chủ yếu là khu vực phía Nam từ Đà Nẵng trở vào; sang Nam Sudan từ ngày 30.6.2023. BVDC 2.5 có 3 thành viên quê Bình Định gồm: Trung tá, TS.BS Nguyễn Hà Ngọc (quê An Nhơn, Phó Khoa Chấn thương thể thao Bệnh viện 175; Giám đốc BVDC 2.5), thiếu tá, BSCKII Huỳnh Thị Thanh Giang (quê Hoài Ân, phụ trách khoa sản) và đại úy Nguyễn Văn Trung (quê Phù Cát, điều dưỡng trưởng đội cấp cứu đường không, là 1 trong 3 nhân viên được tăng cường từ Bệnh viện Quân y 13).
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)