Những cuộc hạnh ngộ trên đất thành đồng
Hằng năm, cứ vào dịp 30.4, 27.7 hay 2.9, những đoàn cựu chiến binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng từ khắp nơi lại tề tựu về vùng đất “thành đồng” Hoài Châu, Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) để thăm chiến trường xưa, thăm những người má đã nuôi giấu mình và tưởng nhớ đồng đội cũ. Đa số cựu binh tóc đã bạc, dáng người hom hem, da dẻ nhăn nheo, vậy mà các má vẫn ngay lập tức nhận ra họ…
Nhớ má, nhớ đồng đội, nhớ đất thành đồng
Hơn 3 năm trước, sân nhà bà Trần Thị Cự (87 tuổi, ở thôn Liễu An, xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn) xuất hiện cựu binh tóc đã nhuốm bạc đi cùng một người phụ nữ luống tuổi. Khựng lại hồi lâu nhìn bà Cự chăm chú quét sân, chừng để qua cơn xúc động, người đàn ông cất tiếng gọi: “Má!”. Bà Cự giật mình, nheo mắt nhìn người cựu binh rồi như từ trong vô thức, bật thốt lên câu trả lời: “Dự về rồi hả con?”. “Má còn nhận ra con?”, người cựu binh chực muốn khóc. “Nhớ chứ!”, bà Cự đáp lại, rồi nói tiếp: “Giờ mà có thằng Cương, thằng Nhang, má cũng nhận ra ngay”, bà má nuôi giấu cách mạng ở đất thành đồng khẳng định chắc nịch vậy.
Các cựu binh Sư 3 ở đất thành đồng khi ấy. Bức ảnh được ông Dự (người đứng, bìa phải) treo trang trọng trong nhà. Ảnh: NVCC
Người cựu binh ấy là Dương Quang Dự (SN 1950, quê tỉnh Bắc Giang). Hôm rồi, đến chơi nhà bà Cự giữa trưa hè, cái nắng oi bức làm bà phờ phạc lắm. Vậy mà, khi nhắc đến 3 chiến sĩ bộ đội từng nuôi trong nhà, bà tươi tỉnh hẳn, cái miệng chỉ còn vài chiếc răng cứ chúm chím cười làm cho gương mặt hiền lành thêm phúc hậu.
“Phải chi thằng Cương còn sống”, bà thở dài. “Hồi đó, tụi nó còn trai (thanh niên) nên ốm, cao dong dỏng, bây giờ có vợ có con, thấy được hơn, chứ làm sao mà quên. Thời đó, nhà nào cũng nuôi 3 chú bộ đội, trừ lúc đi đánh giặc, thời gian còn lại ở hết trong nhà. Mấy đứa đó tội lắm, xa nhà đi chiến đấu, xem tôi là má, coi con cái tôi là anh chị em ruột thịt của mình”, bà Cự hồi tưởng về miền ký ức xa xăm.
Dịp 30.4 vừa qua, CCB Mai Trần Thành (77 tuổi) từ tỉnh Thái Bình quyết định một mình trở lại chiến trường xưa, sau khi nhiều đồng đội cũ vì lý do sức khỏe không thể quay về như mong muốn. Sau một vài giây mang máng, ông Nguyễn Văn Phó (73 tuổi, quê ở xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn) và cựu binh Thành nhận ra nhau. Họ hỏi nhau, ông ở đơn vị nào, đánh trận nào.
“À, trận Đồi 10 hả, ác liệt quá, đạn pháo bay vèo vèo qua đầu. Tối đến, dân quân trong thôn kéo đến rất đông, đắp chiến hào cho bộ đội. Tôi bị nặng tai, ông cứ nói to thoải mái”, người cựu binh miền Bắc cười hiền, thú nhận vậy. Rồi ông bảo, đồng đội cũ đang vào hết nhóm Zalo chờ ông tải hình lên, để xem cho đỡ nhớ.
“Chụp giùm tôi vài tấm nhé, càng nhiều càng tốt. Đồng đội cũ nằm ở đây nhiều lắm, rồi tôi đến thắp hương cho các má đã nuôi giấu tôi và đồng đội, lại đăng hình để họ xem, đỡ nhớ và… cho họ tiếc chơi”, ông Thành nói không ngừng, chừng như để thỏa niềm vui đang trào dâng trong lòng.
Ơn nghĩa mãi khắc ghi
Dịp 27.7 vừa rồi, cựu binh Sư 3 về đất “thành đồng” thăm chiến trường xưa không còn nhiều như mọi năm trước. Thay vào đó, số thân nhân liệt sĩ về tìm mộ và thăm những nơi đã cưu mang người thân của họ thì khá nhiều; trong đó một số thậm chí nán lại trong nhiều ngày để nghe những mẩu chuyện liên quan đến quá trình người thân sinh sống và chiến đấu.
Cựu binh Sư 3 Mai Trần Thành (phải) như trẻ lại khi nhắc về thời thanh niên chiến đấu trên đất thành đồng. Ảnh: N.T
Đội ngũ “hoa tiêu” đều là CCB của xã luôn hỗ trợ họ rất nhiệt tình. Là hiệu trưởng trường tiểu học của xã, nhưng lúc nghỉ hưu, cựu binh Trần Thanh Đề (ở thôn Liễu An Nam, xã Hoài Châu Bắc) tự nguyện làm cầu nối để chiến sĩ Sư 3 trở về thăm chiến trường xưa.
“Họ từ những tỉnh miền Bắc thật xa đến đây, nhiều người còn không khỏe, biết đâu lần tới, những cựu binh ấy đi không nổi nữa. Hoài Châu Bắc giờ cũng chỉ còn lại 3 Mẹ Việt Nam anh hùng. Những cuộc gặp gỡ có khi là lần cuối trong đời người. Họ hạnh ngộ vậy, mình góp chút công mọn, cũng thấy vui lây”, ông Đề người mướt mồ hôi do chạy ngược chạy xuôi hỏi thăm thông tin mộ liệt sĩ cho người thân nãy giờ, cười thật tươi chia sẻ.
Quả thực, có những cựu binh Sư 3 không còn thấy quay lại như cựu binh Trần Đôn (quê Thanh Hóa). Lật cuốn hồi ký ông viết khi trở lại Hoài Nhơn năm 2010 và gửi tặng năm 2011 có tựa đề “Bốn ba năm thăm lại vùng Đông”, bất chợt nhớ đến hình ảnh ông ngồi trên xe khóc suốt dọc đường từ TP Quy Nhơn ra đến Đồi 10.
“Tình yêu thương, đùm bọc mà đồng bào Hoài Nhơn (Bình Định) dành cho lính Sư 3 chúng tôi như đại dương bao la. Còn được sống, được trở về thăm những người đã dành tình cảm thân thương cho mình như người ruột thịt, tôi nghẹn ngào, xin tặng mấy câu thơ: Xin đội ơn người còn, người mất…/Khắc ghi ơn nghĩa mãi không phai mờ!”, người cựu binh quê Thanh Hóa viết trong hồi ký của mình vậy.
Nhiều năm qua, cứ nghe ai ở Bình Định ra là ông Dự chuẩn bị ngay những búi tỏi cùng trà, bánh gửi biếu má Cự. Ông cho biết, ông trồng tỏi trong vườn, tỏi Bắc Giang chắc, thơm, ông chọn những củ tốt nhất gửi vào Bình Định.
Ở thôn Liễu An Nam, xâm xẩm tối, bà Cự hay đu đưa võng, ngâm nga mấy câu hò lờ. Rồi bà thấy nhớ, mấy đứa bộ đội lúc đó, đứa nào cũng dễ thương, lại thấy thương nhất thằng Cương đã không còn. “Trông đến năm 2025, vợ chồng thằng Dự đã hứa sẽ về, bằng tàu lửa…”, bà Cự lẩm bẩm.
NGỌC TÚ