Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV: Tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, do Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức từ ngày 8 - 10.9 tới tại TP Quy Nhơn, đã hoàn tất.
Ngày hội có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, thu hút 11 đoàn nghệ thuật quần chúng đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ các tỉnh miền Trung, gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang - Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội, đánh giá: Đây là sự kiện văn hóa có quy mô lớn được tổ chức tại Bình Định, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76- KL/TW, ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị.
Đồng bào Bana K’riêm xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh tập luyện tái hiện nghi lễ ăn cốm lúa mới để tham gia Ngày hội.
Ngày hội thuộc khuôn khổ Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 3666/QĐ-BVHTTDL ngày 7.12.2020 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương; thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, bắn ná, bắn nỏ); thi trình diễn kỹ năng quảng bá du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, Ngày hội còn có các hoạt động khác, như: Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực; trưng bày ảnh chủ đề “Các dân tộc thiểu số miền Trung đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”; triển lãm chủ đề “Đặc trưng văn hóa các dân tộc miền Trung trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng của Bình Định…
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL), Phó Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, cho biết thêm: “Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng đồng bào các dân tộc thiểu số gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước”.
Là đơn vị đăng cai, tỉnh Bình Định đã chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phối hợp với Bộ VH-TT&DL để tổ chức thành công Ngày hội. Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT, Phó trưởng Ban tổ chức Ngày hội, cho hay: “Ngoài hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan để công chúng, du khách biết đến Ngày hội, chúng tôi đã phối hợp với Sở Du lịch chuẩn bị kỹ lưỡng việc đón tiếp, bố trí nơi ở cho các đoàn VH-TT về dự hội; tổ chức cho các đoàn tham quan các danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh, nhằm góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh”.
Sẵn sàng khai hội
Theo đăng ký, đoàn VH-TT của đơn vị chủ nhà Bình Định có sự góp mặt của gần 200 nghệ nhân, diễn viên, VĐV đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia đầy đủ các phần thi tại Ngày hội. Đến nay, lực lượng nghệ nhân, diễn viên, VĐV đã và đang tham gia tập luyện theo kịch bản được ngành VH-TT xây dựng trước đó, bao gồm ở phần thi văn hóa và thi đấu các môn thể thao. Trong đó lực lượng nòng cốt của Bình Định tham gia phần thi văn hóa (hát múa, trình diễn lễ hội, trang phục truyền thống) đến từ huyện miền núi Vĩnh Thạnh.
Nhạc cụ dân tộc truyền thống của đồng bào dân tộc Bana K’riêm Vĩnh Thạnh sẽ được trình diễn tại Ngày hội trong phần thi văn hóa.
Bà Võ Thị Hồng Liên, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Đoàn văn hóa nghệ thuật huyện Vĩnh Thạnh với 75 nghệ nhân, diễn viên sẽ đại diện cho tỉnh tham gia 3 tiết mục trong phần thi văn hóa, văn nghệ. Đó là tiết mục hòa tấu các nhạc cụ dân tộc truyền thống; múa hát tập thể dân ca hơ-mon nói về đồng bào Bana K’riêm trong thời kỳ hội nhập phát triển; trình diễn tái hiện nghi lễ ăn cốm lúa mới của đồng bào Bana K’riêm và trình diễn thi trang phục truyền thống của đồng bào Bana K’riêm trong sinh hoạt, ngày thường và trang phục cưới”.
Công tác bố trí nơi ở, sinh hoạt cho các đoàn tham gia Ngày hội cũng hết sức quan trọng, được các đơn vị quan tâm. Bà Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Giám đốc Sở Du lịch, Ủy viên Ban tổ chức Ngày hội, cho biết: “Sở Du lịch đã làm việc với 21 cơ sở lưu trú ở Quy Nhơn, bố trí hơn 630 phòng cho các đoàn với giá phòng ưu đãi giảm từ 30 - 50%. Nhiều DN lữ hành đã đưa ra gói khuyến mãi kích cầu du lịch mùa thấp điểm với nhiều tour phục vụ du khách tham quan các điểm đến du lịch trong tỉnh”.
Thiếu nữ Bana K’riêm bên trang phục truyền thống sẽ trình diễn thi trang phục tại Ngày hội.
Ngày hội là dịp để tỉnh Bình Định quảng bá bản sắc văn hóa, con người, tiềm năng phát triển du lịch. Phó Chủ tịch Lâm Hải Giang kỳ vọng: Ngày hội năm nay có nhiều hoạt động, chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, đặc biệt là phần thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng mang bản sắc văn hóa các dân tộc của từng tỉnh trong khu vực sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của khu vực miền Trung nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng. Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban tổ chức, Ngày hội sẵn sàng khai hội, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
NHÓM PV VĂN HÓA - XÃ HỘI