Ðột phá phát triển hạ tầng giao thông
Trong chiến lược phát triển của mình, Bình Định lựa chọn giao thông “đi trước, mở đường”, cũng chính là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, tỉnh có nhiều đột phá trong lĩnh vực này.
Hình thành mạng lưới giao thông liền lạc
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Định nỗ lực phát triển, hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư, trong đó đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông và tổ chức kết nối các tuyến này thành mạng lưới liền lạc.
Tổng vốn đầu tư cho giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 141.178 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,35% GRDP, tăng bình quân 10,46%/năm. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tổng mức đầu tư các dự án hơn 12.000 tỷ đồng.
Một số dự án quan trọng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là: Đường vào sân bay Phù Cát, đường vào ga Diêu Trì, đường ven biển (các đoạn: Cát Tiến - Mỹ Thành, Lại Giang - Thiện Chánh). Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh; đường ven biển (đoạn QL 1D - QL 19 mới, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, đoạn Mỹ Thành - Lại Giang); các tuyến đường địa phương kết nối với đường ven biển; các tuyến đường kết nối đến Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
Tuyến đường ven biển Cát Tiến - Đề Gi (huyện Phù Cát) đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, khơi dậy tiềm năng du lịch Bình Định. Ảnh: DŨNG NHÂN
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết: Hiện nay, đơn vị làm chủ đầu tư 10 dự án hạ tầng giao thông quan trọng với tổng mức đầu tư gần 8.500 tỷ đồng. Trong đó có 6 dự án trọng điểm giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư 7.373 tỷ đồng. Cuối năm 2023, Bình Định phấn đấu hoàn thành 3 tuyến giao thông trọng điểm, gồm: Đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; tuyến đường trục Đông - Tây kết nối với tuyến đường phía Tây của tỉnh (ĐT 638); cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trần Nhân Tông, TP Quy Nhơn. Ngoài ra, Ban đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm khác, trong đó có những dự án tỉnh Bình Định đang kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư và hỗ trợ kinh phí như: Dự án nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai); hoàn thiện tuyến nối từ QL 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn (Bình Định đã lập dự án với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng); 38,14 km còn lại của tuyến đường ven biển (đoạn Mỹ Thành - Lại Giang).
Những tuyến đường này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng cường kết nối giao thông theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam; đồng thời mở rộng quỹ đất để phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch…
Ưu tiên kết nối vùng
Tại sự kiện Gặp gỡ Bình Định - Nhật Bản năm 2023, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhìn nhận: Tỉnh Bình Định đang phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khá nhanh và hoàn chỉnh đồng bộ, với 3 trục đường hướng Bắc - Nam: QL1, đường sắt Bắc - Nam và đường ven biển cùng hệ thống đường Đông - Tây đã và đang được đầu tư. Tỉnh có lợi thế để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế trong vùng, nhất là hành lang kinh tế Đông - Tây nối Bình Định với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế... Đây là một thế mạnh nữa của Bình Định trong thu hút đầu tư, bên cạnh lợi thế về biển.
Cảng biển Quy Nhơn được mở rộng, nạo vét luồng ra vào cảng trong thời gian tới. Ảnh: QNP
Nhờ hạ tầng giao thông tốt, Bình Định phát triển hệ thống logistics, và các Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định là điểm tập trung thu hút đầu tư, đặt kỳ vọng cho sự phát triển lĩnh vực công nghiệp của tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, tỉnh Bình Định có kết cấu hạ tầng hết sức đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối sân bay, cảng biển, tới đây là cao tốc kết nối; cảng Quy Nhơn đang nạo vét đón tàu trọng tải lớn, hệ thống đường ven biển đang được tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông huyết mạch. Việc hoàn chỉnh và đồng bộ kết cấu hạ tầng cho phép tỉnh quy hoạch không gian phát triển mới cho đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…, tạo hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.
Hiện nay, UBND tỉnh phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng tuyến cao tốc và trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh; hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL 19 thuộc dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; tham gia lấy ý kiến thực hiện Dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Dự án Cảng hàng không Phù Cát, mở rộng Cảng Quy Nhơn; góp ý Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050…
HẢI YẾN