Chàng trai Bỉ mê võ Việt
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023 đón 16 đoàn võ thuật nước ngoài tham gia, mỗi đoàn đều để lại những ấn tượng riêng trong các buổi giao lưu. Chàng rể Việt Jean Philippe Crèvecoeur (môn phái Thủy pháp, Vương quốc Bỉ) đã có những chia sẻ bằng tiếng Việt khá thông thạo với Báo Bình Định về võ cổ truyền Việt Nam.
· Xin chào Jean Philippe Crèvecoeur, cảm nhận của anh khi đến Bình Định tham dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ VIII - Bình Định 2023 như thế nào?
- Đây đã là lần thứ tư tôi đến Bình Định dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, trước đó là vào các năm 2010, 2012 và 2014. So với lần gần nhất cách đây 9 năm thì TP Quy Nhơn đã phát triển nhiều hơn.
Lần này, tôi được tham gia giao lưu biểu diễn tại Thiền viện Thiên Hưng (huyện Phù Cát), đây là nơi tôi chưa đến trong những lần trước. Ngoài cảnh quan thông thoáng, đẹp, sân biểu diễn ở đây rộng rãi nên tôi có thể thoải mái biểu diễn bài côn. Liên hoan lần thứ VIII tôi cũng được giao lưu biểu diễn nhiều hơn, được xem nhiều môn phái khác biểu diễn nên học hỏi cũng được nhiều.
Anh Jean Philippe Crèvecoeur biểu diễn giao lưu tại Thiền viện Thiên Hưng trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023. Ảnh: LÊ NA
· Sinh ra và lớn lên ở một đất nước châu Âu, cơ duyên nào đưa anh đến với võ cổ truyền Việt Nam?
- Khi mới 15 tuổi, còn học trung học tại Bỉ, tôi được biết có một đoàn biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam là môn phái Thủy pháp, với các đòn tay, chân, chỏ, gối và cả sức nước trong cơ thể nữa. Lúc đó tôi chỉ tò mò xem thử chứ chưa biết gì về võ cổ truyền Việt Nam, nhưng sau đó đam mê và xin theo tập đến giờ đã là 19 năm rồi.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương là thầy của tôi, ngoài võ thuật, ông còn có nhiều hiểu biết về lịch sử Việt Nam. Ban đầu, tôi thấy đây là môn rất khó tập vì trước giờ chưa chơi bất kỳ môn thể thao nào. Các bài võ của môn phái Thủy pháp chủ yếu sử dụng sức nước trong cơ thể, do đó, động tác cần uyển chuyển, mềm dẻo chứ không dùng cơ bắp như những môn thể thao khác.
· Tập luyện võ cổ truyền đem lại điều gì khiến anh gắn bó trong gần 20 năm như vậy?
- Đầu tiên là sức khỏe, khi tập võ thì sức khỏe của tôi được nâng lên rất nhiều. Cùng với đó, sự kiên trì trong tập luyện cũng giúp cho tôi thực hiện những việc khác dễ dàng hơn. Nói chung, từ khi đến với võ cổ truyền, tôi đạt được nhiều thuận lợi hơn trong tất cả các mặt của cuộc sống.
· Ngoài tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, anh có dành thời gian để tham quan các địa danh ở Bình Định không?
- Ở những kỳ liên hoan trước, tôi đã có dịp đến một số võ đường như: Hồ Sừng, Lê Xuân Cảnh, chùa Long Phước… Bên cạnh đó, tôi cũng có đi tham quan một số nơi như Ghềnh Ráng và các địa điểm khác nữa.
Ngoài ra, ở lần về dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023, tôi cũng nhận được một số lời mời từ các võ đường, CLB trong nước để tham gia giao lưu, biểu diễn.
· Anh có thể thông tin, Võ cổ truyền Việt Nam hiện nay phát triển tại Bỉ như thế nào?
- Hiện nay môn phái Thủy pháp có 4 - 5 lớp tại Bỉ, trong đó tôi cũng mở 3 võ đường, một điểm tại thủ đô Brussel, một điểm ở một thành phố phía Bắc và điểm còn lại nằm ở phía Nam. Võ sinh các lớp chủ yếu là người Bỉ, rất ít người Việt Nam.
· Xin cảm ơn và chúc anh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị với võ cổ truyền Việt Nam!
“Chúng tôi cưới nhau được 7 năm rồi, nhưng trước đó tôi cũng đã tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam năm 2014. Sau khi cưới nhau, Jean Philippe Crèvecoeur hướng dẫn tôi đến với võ cổ truyền Việt Nam và tôi đã tập luyện được vài năm. Tôi thấy cũng thú vị, vì mình là người Việt Nam nhưng lại được một người nước ngoài giới thiệu về môn võ của quê hương mình”.
Chị ĐẶNG THỊ THU QUYÊN, vợ anh Jean Philippe Crèvecoeur
LÊ NA