Chuyển động ở xã
Cách đây 4 tháng, lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo hình thức tập trung, chuyên sâu trên từng lĩnh vực. Đến nay, hiệu quả thiết thực đã thấy rõ khi tạo được chuyển biến cơ bản về nhận thức, cung cách và chất lượng công việc của đội ngũ công chức cấp xã.
Thêm những “liều thuốc tinh thần”
Trò chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) Thái Văn Thuận về hiệu quả của các lớp đào tạo, bồi dưỡng, ông nhấn mạnh đây như “liều thuốc tinh thần”, khi cán bộ, công chức cấp xã (CBCCCX) được trực tiếp đối thoại, trao đổi, lắng nghe gợi mở nhiều vấn đề từ Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành. Từ đó, CBCCCX mạnh dạn, chủ động hơn để nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Kiến thức, kỹ năng có được từ hoạt động đào tạo theo lối “cầm tay chỉ việc” sát với thực tiễn nên có thể vận dụng ngay vào công việc, tạo chuyển biến tích cực ở xã Phước Lộc.
Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Thái Văn Thuận (phải) trao đổi công việc cùng công chức Tư pháp - Hộ tịch. Ảnh: H.THU
Ông Thuận cho biết: Một số vấn đề nổi cộm, phức tạp phát sinh từ thực tiễn trước đây CBCCCX còn có khi ngần ngại, lúng túng, nay cơ bản được giải quyết. Chẳng hạn, trong công tác tiếp công dân, CBCCCX đã phân tích, thuyết phục khá nhiều trường hợp hiểu được cần chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Đức (TX Hoài Nhơn) Trần Văn Thắm, qua các lớp đào tạo, CBCCCX được học hỏi, trao đổi; từ nhận thức đến chuyên môn, nghiệp vụ có bước chuyển biến rõ rệt, nhất là về nâng cao tinh thần trách nhiệm. Được giao trách nhiệm phụ trách địa bàn, có khi ngày nghỉ cuối tuần cán bộ vẫn tự mình đi thực tế, nắm bắt xem có trường hợp nào vi phạm, vấn đề gì có thể phát sinh tiêu cực...
Ông Thắm dẫn chứng, phường Hoài Đức có diện tích hơn 6.300 ha (lớn nhất trong số các phường, xã của TX Hoài Nhơn), qua lớp đào tạo đã giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn phường hiệu quả hơn. UBND phường đã thông báo các trường hợp xây dựng nhà, tường rào, cổng ngõ trên địa bàn phường phải báo cáo, liên hệ bộ phận chuyên môn của phường để được tư vấn; sẽ có công chức xuống tận nhà đo đạc, xem giấy tờ sở hữu đất để hướng dẫn xây dựng trên diện tích đất theo đúng quy định.
“Đối với quản lý tài nguyên khoáng sản, sau khi tập huấn xong, UBND phường tuyên truyền đến các chủ phương tiện có ô tô chở đất, máy xúc đất không vi phạm quy định pháp luật. Cùng với đó, nếu có tin báo, phát hiện sai phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, UBND phường chủ động xử lý kịp thời theo quy trình, quy định của pháp luật. Nhờ quản lý chặt chẽ hơn, tính từ thời điểm mở các lớp đào tạo đến nay trên địa bàn phường không xảy ra vi phạm nào”, ông Thắm cho biết.
Kỹ năng thạo, cách làm mới
Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, công chức Địa chính - xây dựng của UBND xã Phước Lộc, trước đây khi xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai còn những khó khăn, vướng mắc khi chưa nắm rõ cơ chế phối hợp, quy trình xử lý... Tuy nhiên, sau khi nắm bắt quy định, được giải đáp về cách thức giải quyết qua lớp đào tạo, CBCCCX phụ trách mảng này đã tự tin hơn.
“Ghi nhận ý kiến phản ánh của học viên, UBND tỉnh đã ban hành quy trình chung về xử lý lấn chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh. Đây là căn cứ để UBND huyện có văn bản hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ rất thiết thực cho chúng tôi trong công việc, cụ thể là thực hiện đúng quy định và xử lý kịp thời hơn”, ông Tịnh chia sẻ.
Tham gia lớp đào tạo, nhiều công chức Văn phòng - thống kê được hướng dẫn sử dụng phần mềm báo cáo KT-XH. Ông Trần Tô Hải, công chức Văn phòng - thống kê của UBND phường Hoài Đức, cho biết: “Trước đây, khi báo cáo KT-XH hằng tháng, chúng tôi làm văn bản giấy gửi Chi cục Thống kê TX Hoài Nhơn. Mấy tháng qua, chúng tôi đã sử dụng phần mềm, thực hiện và gửi nhanh hơn trên môi trường điện tử”.
Đối với nhiều học viên được đào tạo các chuyên đề về cải cách hành chính, khi về đơn vị áp dụng hiệu quả thấy rõ trên lĩnh vực kiểm soát và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Theo ông Nguyễn Minh Đức, công chức Văn phòng - thống kê của UBND phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 8.2023, phường tiếp nhận 2.480 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó giải quyết trước hạn 2.470 hồ sơ, số còn lại trong hạn giải quyết. Đây là chuyển biến tích cực, bởi tỷ lệ hồ sơ trễ hạn năm 2022 lên đến gần 10%.
Trong khi đó, một trong những đổi mới ở UBND xã An Tân (huyện An Lão) là triển khai thực hiện mô hình khảo sát mức độ hài lòng của công dân đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng phương pháp sử dụng mã QR Code từ ngày 22.5.2023. “Phương pháp này mang tính khách quan, giảm chi phí in ấn; ý kiến của cá nhân, tổ chức được cập nhật hằng ngày qua hệ thống. Tính đến giữa tháng 8.2023, đã có 78 kết quả khảo sát trực tuyến, với tỷ lệ rất hài lòng đạt 100%”, chị Hoàng Mỹ Tâm, công chức Văn phòng - thống kê của UBND xã An Tân, cho biết.
Một điểm đáng chú ý khác là qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề nghiệp vụ hộ tịch và chứng thực, công chức phụ trách lĩnh vực này đã nâng cao hiệu quả công việc. Từ đầu tháng 7.2023, UBND phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch (trong khoảng thời gian 1998 - 2018) trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn phường.
Ngày 7.8.2023, UBND phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) lần đầu tiên tổ chức trao kết quả, tặng quà cho người dân thực hiện thủ tục hành chính liên thông thiết yếu. Ảnh: UBND phường Lý Thường Kiệt
Bà Lý Huỳnh Phương Thảo, công chức Tư pháp - hộ tịch của UBND phường Lý Thường Kiệt, cho biết: “Việc nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch còn có những khó khăn, vướng mắc, nhưng với nghiệp vụ vừa được đào tạo, hướng dẫn, tôi đã phối hợp với cán bộ CA phường thực hiện trong cả hai ngày nghỉ cuối tuần để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ”.
HOÀI THU