Chuyện về nữ đặc công 20 tuổi được phong Anh hùng LLVT nhân dân
Tận mắt chứng kiến cảnh tàn bạo do đế quốc Mỹ gây ra đối với nhân dân ngay trên mảnh đất quê nhà đã thôi thúc cô gái 15 tuổi Nguyễn Thị Phúc tham gia cách mạng, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công.
Kết nạp Đảng ngay trên trận địa
Càng gần đến ngày Quốc khánh 2.9, những ký ức về một thời hoa lửa hào hùng lại ùa về trong nữ Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Phúc (70 tuổi, ở đường Phạm Ngọc Thạch, TP Quy Nhơn).
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Phúc (giữa) vinh dự được đại tướng Phan Văn Giang (phải) - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến thăm vào tháng 1.2023. Ảnh: HỒNG PHÚC
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ), năm 10 tuổi, bà Phúc đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Thường xuyên tiếp xúc với các đồng đội của ba, từ nhỏ bà đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đến tháng 5.1968, khi mới 15 tuổi, bà thoát ly gia đình, tham gia cách mạng, nhập ngũ vào Đội 2 (Huyện đội Phù Mỹ). Thời gian đầu làm trong quân ngũ, bà Phúc được phân công làm nhiệm vụ liên lạc, sau đó học y tá rồi đến học mũi trưởng đặc công...
Xa gia đình tham gia cách mạng khi còn nhỏ tuổi, nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong cô bé Nguyễn Thị Phúc. Mỗi lần như vậy, bà Phúc lại tìm lên một ngọn núi cao để có thể thấy hình ảnh quê nhà và ngồi khóc. “Thời gian này, tôi được cán bộ, chỉ huy động viên nhiều lắm. Rồi chứng kiến sự tàn ác, nhẫn tâm của quân thù đã biến căm thù thành sức mạnh trong tôi. Từ đó tôi không còn khóc, cũng không sợ hy sinh hay bất cứ cái gì, miễn sao giết được giặc”, bà kể.
Năm 1970, để chuẩn bị cho trận đánh Trung đội bảo an của địch (đóng tại cầu Bình Trị) đang kìm kẹp người dân các xã Mỹ Chánh, Mỹ An, Mỹ Thọ, bà Phúc được cấp trên phân công đi trinh sát nắm tình hình căn cứ của địch. Suốt nhiều ngày liền, ban ngày bà vào vai người bán xác mì, ban đêm là mũi đặc công luồn sâu vào căn cứ địch. Sau khi nắm được đầy đủ tình hình của địch, đêm 9.4.1970, bà Phúc cùng các mũi đặc công của huyện Phù Mỹ đã thành công trong việc đánh chiếm, phá được căn cứ của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực và thu được nhiều chiến lợi phẩm.
Ngay sau khi làm chủ được căn cứ của địch, cấp trên thông báo bà Phúc sẽ được kết nạp Đảng - phần thưởng cho những đóng góp của bà trong trận đánh này. Buổi lễ kết nạp Đảng diễn ra ngay tại trận địa. Với một cô gái mới 17 tuổi, được kết nạp Đảng là vinh dự rất lớn. Khoảnh khắc đó khiến bà xúc động vô cùng và không bao giờ quên trong cuộc đời.
20 tuổi được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân
Quá trình chiến đấu, bà Phúc đã tham gia 52 trận đánh. Là mũi đặc công, bà có nhiệm vụ nhập nhiều vai để trinh sát, xây dựng cơ sở cách mạng, nắm được mục tiêu của địch để vẽ sơ đồ căn cứ của địch và tìm vị trí cất giữ vũ khí của ta an toàn, hiệu quả.
“Tình yêu quê hương đất nước đã mang đến sức mạnh cho tôi. Khi kẻ thù đến xâm lược Việt Nam thì thế hệ nào cũng cầm chặt tay súng bảo vệ quê hương, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.
Anh hùng LLVT nhân dân NGUYỄN THỊ PHÚC
Theo bà Phúc, lực lượng đặc công của huyện Phù Mỹ đánh ít, nhưng hiệu quả cao, ít tổn thất. “Bước vào mỗi trận đánh ai cũng đau đáu quyết tâm cùng đồng đội tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện, kho tàng của địch. Vì vậy, tôi sẵn sàng lăn xả vào căn cứ địch, cải trang thành bất cứ thành phần nào trong xã hội, vai nào cũng tròn, nhờ vậy mà trót lọt qua mặt địch, đưa chiến sĩ ta đến điểm hẹn an toàn, phục vụ tốt nhiệm vụ”, bà nói.
Người chiến sĩ đặc công luôn biết nhận hy sinh, nguy hiểm, khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội. Với họ, cái chết nhẹ tựa lông hồng. Năm 1971, khi mới 18 tuổi, bà Phúc cùng đồng đội tiếp tục lập chiến công vang dội khi liên tiếp đánh chiếm thành công các căn cứ của địch, góp phần phá hủy kế hoạch “bình định nông thôn” của chúng. “Nhiều lúc tôi thấy “nhờn” khi phải trườn, giậm qua xác chết để làm nhiệm vụ. Nhưng để từng trận chiến thắng lợi, nỗi sợ của bản thân không là gì cả, hiệu quả của nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu”, bà khẳng định.
Giai đoạn 1969 - 1973, bà Phúc có 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp Quân khu 5, 3 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Ngày 2.9.1973, khi mới 20 tuổi, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau ngày giải phóng, nữ đặc công Nguyễn Thị Phúc vẫn bền bỉ đeo đuổi con đường cách mạng của riêng mình. Trong đó, có vai trò đại biểu Quốc hội khóa VI. Năm 1979, bà chuyển ngành từ Bộ CHQS tỉnh sang làm việc tại Hội LHPN tỉnh; năm 1995 nghỉ hưu.
***
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những câu chuyện thời hoa lửa của những người sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Qua câu chuyện của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Phúc trong những năm tháng gian khó, ác liệt, chúng ta hiểu hơn những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh. Đó là bài học vô giá, giúp thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu, tu dưỡng, góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
HỒNG PHÚC