Vài kỷ niệm với anh Lê Văn Ngăn
Vào một buổi chiều năm 1970, anh Đoàn Đại Oanh chạy chiếc xe “đam” cũ chở theo người thanh niên đến chỗ tôi ở số 2A đường Hải Thượng, TP Đà Lạt và đề nghị tôi cho anh ta cùng ở trọ. Người thanh niên ấy nom vui vẻ, dáng thư sinh hiền lành nhưng ẩn chứa nét phong trần rắn rỏi, lại do chính bạn tôi là Đoàn Đại Oanh đưa đến, nên không một chút do dự tôi đồng ý ngay. Tôi kết bạn với nhà thơ Lê Văn Ngăn từ hôm đó.
Phòng trọ 2A Hải Thượng rộng chưa tới 20 m2, là nơi ba mẹ tôi thuê cho tôi và cô em út dưới quê lên trọ học. Tôi học trường ĐH Văn khoa còn người em học ở Trung học bán công Quang Trung. Từ ngày có thêm Ngăn, phòng trọ không bao giờ vắng khách.
***
Lúc thì người em ruột của Ngăn - Lê Văn Kịch từ quê nhà lên thăm trước khi bị bắt lính đẩy ra chiến trận và chết sau đó không lâu. Khi thì em ruột nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn đánh xe lên nhờ Lê Văn Ngăn tìm giúp ông anh tài hoa (vì bấy giờ nhạc sĩ ẩn thân ở Đà Lạt, chỉ bạn bè rất thân mới biết anh đang ở đâu). Các anh Nguyễn Lệ Tuân của tạp chí Ý Thức ở miền Trung; Ngô Thế Lý - Chủ tịch Hội Sinh viên Phật tử Đà Lạt tới đặt viết bài cho tập san Tin Tưởng. Những bạn sinh viên đam mê văn nghệ, báo chí như: Trần Xuân Phong, Đỗ Văn Nghĩa, Lê Văn Nhất, Lê Kim Ngữ, Phạm Thùy Nhân, Lê Quốc Hùng… cũng hay đến thăm chơi, bàn bạc chuyện văn nghệ, báo chí từ trong trường đại học ra ngoài cuộc sống… Có một điểm đặc biệt là bạn bè của anh Ngăn rất đông, nhiều thành phần nhưng họ có một điểm chung - giống như anh, họ yêu nước nồng nàn!
Nhà thơ Lê Văn Ngăn (ảnh chụp năm 1970)
Thời gian ấy chúng tôi đều khó khăn nhưng anh Ngăn rất yêu đời, lạc quan, thường ôm guitar hát, tự đệm đàn ngâm thơ. Anh hát quá hay! Ví dụ, đến tận bây giờ hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi được nghe nhiều người thể hiện ca khúc Thuyền em đi trong đêm của Nguyễn Phú Yên, nhưng vẫn chưa thấy ai hát hay hơn, biểu cảm tốt hơn Lê Văn Ngăn hồi ấy. Anh Ngăn có giọng ngâm thơ tuyệt vời. Những người bạn tôi từng nghe anh ngâm thơ đều chia sẻ rằng, Ngăn ngâm thơ tuyệt đối hay! Được nghe Lê Văn Ngăn ngâm thơ có lẽ là một hạnh ngộ. Nghe tôi chia sẻ như thế, rất tán thành và chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết đã từng nổi da gà khi nghe Lê Văn Ngăn đọc thơ trong một chiều mưa ở Đà Lạt.
Anh Ngăn lớn hơn tôi 5 tuổi. Anh coi tôi như người em nên đi đâu cũng dắt theo. Nhiều khi chủ nhật trời mưa, anh kéo áo mưa choàng chung, rủ tôi leo dốc đến quầy cà phê bình dân chị Sáu đô-mi-nô sau khu Hòa Bình nhâm nhi trò chuyện, đánh cờ. Khoản cà phê cũng khó ai vượt qua anh, một ngày anh có thể uống 5 - 7 cữ ở chỗ này đến chỗ khác mà vẫn bình thường. Tại những cuộc cà phê ấy anh giới thiệu tôi với những người bạn của anh. Tôi có thêm nhiều người bạn cũng từ những tao ngộ do anh bày ra.
Anh Lê Văn Ngăn giản dị, dễ ăn dễ ngủ, ít muốn phiền đến ai, giữa bạn bè anh em có thể đúng như cách ta hay diễn đạt “sao cũng được”. Nhưng anh lại rất tinh tế, nhất là trong ăn uống. Bất ngờ như thế đấy. Có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý, ca sĩ Hà Thanh lên Đà Lạt chơi, rủ mấy anh em đi ăn bún bò Huế. Anh Ngăn đứng ra dắt cả hội đi bởi theo anh phải đến chỗ này chỗ này thì mới thật là Huế. Anh đưa cả hội lên tận cây số 4 Dalat đến một quán bình dân nhưng theo anh đây là nơi nấu được tô bún Huế nguyên mẫu. Từ miếng thịt, sợi bún, độ nóng nước lèo đến rau, ruốc, ớt cùng các gia vị khác. Và cả hội phải thừa nhận rằng anh Ngăn thật sự tinh tế.
Rất ít người biết rằng Lê Văn Ngăn vốn học ở ban B trường Quốc Học Huế, đỗ Tú tài toàn phần cũng ban Toán Lý. Thỉnh thoảng cô em tôi giặt giũ quần áo cho anh. Để “trả nghĩa”, anh giảng cho cô nhỏ những bài toán khó ở trường, anh giảng Toán mà hay và sinh động như nói chuyện về thi ca nên cả tôi cũng lắng nghe say sưa. Anh cũng khá thạo tiếng Anh và Pháp. Chỗ anh nằm thường có mấy quyển nguyên tác Pháp văn, như Nhật ký Anna Frank, Bác sĩ Jivago... Anh Ngăn đa tài và hình như khi quan tâm đến chuyện gì anh đều tường tận, hiểu biết vấn đề đến nơi đến chốn.
Anh cũng thường động viên tôi sáng tác và ở đó có một kỷ niệm nhỏ khiến tôi rất vui, mỗi lần nhớ lại đều xúc động. Đợt ấy cả hai anh em cùng có bài được đăng trên tạp chí Trình Bầy số 17 ngày 1.4.1971. Chính anh là người chọn bản thảo cho tôi, gởi chung một phong thư về tòa soạn.
Sau năm 1975 tôi không gặp lại và cũng bặt tin anh. Rất nhiều lần lòng cứ dặn lòng phải tìm gặp lại anh nhưng vì nhiều việc và cuộc mưu sinh nhiều trúc trắc quá khiến thời gian cứ vuột qua. Mãi đến đầu thập niên 90 thế kỷ trước, một hôm anh Đào Viết Bửu từ Bình Định vào Phú Yên tìm đến tôi trao tận tay tôi bức thư anh Lê Văn Ngăn và thuật lại rằng “Ngăn căn dặn mình là phải chụp hình Văn mang về để Ngăn tin rằng Nguyễn Tường Văn còn sống!”. Nghe anh Bửu kể, tôi giận mình vì không biết anh đang ở rất gần với mình, đã thế lại còn khiến anh nghĩ rằng Nguyễn Tường Văn đã chết. Khi biết tin tôi còn sống và ở Phú Yên, sẵn dịp anh Đào Viết Bửu xuôi vào Phú Yên, anh phải dặn dò kỹ lưỡng như thế. Đọc xong bức thư anh viết, tôi đứng để Bửu chụp ảnh mang đi mà lòng bàng hoàng bởi mấy lời sâu đậm nghĩa tình anh nhắn gửi.
Được tin anh bạo bệnh khó qua khỏi, tôi tức tốc ra Quy Nhơn đến thăm anh tại BVĐK tỉnh. Trên giường bệnh nhận ra tôi, mừng quá anh gượng ngồi, anh em ôm nhau nửa mừng nửa tủi. Vẫn nụ cười thi sĩ - nghệ sĩ trên gương mặt ngày xưa nhưng đôi mắt “nghìn khơi không đổi hướng” đã ngấn lệ. Tôi lặng lẽ nhìn về hướng đông thành phố thầm nói như mộng du “sóng vẫn đập vào eo biển” anh Ngăn ơi!
Nhà thơ Lê Văn Ngăn (1944 - 2015)
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định.
- Tác giả các tập thơ: Trên đồng bằng (1972), Vào một thời im bóng (1974), Viết dưới bóng quê nhà (2008), Thơ Lê Văn Ngăn (2015), Giữa khi mưa lưu hoàng đổ (2019). Có nhiều sáng tác đăng trên các tạp chí yêu nước đối lập chính quyền Sài Gòn cũ, như: Đất Nước, Đối Diện, Trình Bầy, Tự Quyết, cùng một số tập san phản chiến của sinh viên - học sinh miền Nam trước 1975.
- Giải thưởng Thơ của báo Văn Nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam 1991.
NGUYỄN TƯỜNG VĂN