Gìn giữ cho muôn đời sau
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trên lĩnh vực văn hóa được ngành văn hóa và các địa phương triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nhiều di tích được đầu tư
Trong giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh Bình Định đầu tư hơn 94,8 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, như: Xây dựng, mở rộng, nâng cấp Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt (trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung) với các hạng mục nhà tiền tế, tiền bái và nhà thượng điện; tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít; quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, cắm mốc các điểm di tích gốc thành Hoàng Đế (TX An Nhơn); xây dựng mới Đền thờ Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Cát), Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Di tích Chiến thắng Thuận Hạnh, Khu di tích mộ Võ Xán (huyện Tây Sơn)…, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, chia sẻ: “Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng khánh thành đưa vào hoạt động đầu năm nay đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tạo thêm điểm đến mới gắn kết với Bảo tàng Quang Trung và một số di tích do chúng tôi quản lý trên địa bàn huyện Tây Sơn để phục vụ du khách”.
Di tích tháp Bánh Ít được tu bổ, tôn tạo, mang diện mạo mới phục vụ du lịch. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Hơn 2 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng hồ sơ tham mưu trình UBND tỉnh xếp hạng nhiều di tích cấp tỉnh, như: Đình làng Ngọc Thạnh (huyện Tuy Phước), Trường thi Bình Định (TX An Nhơn), Chiến thắng Đồng Ấu (huyện Tây Sơn), Đền thờ Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Cát); Lăng Ông Nam Hải vạn Kim Giao, Di tích trận ném bom Chợ Đề, Nhà tù lầu ông Tánh, Địa điểm nơi ra đời của LLVT tỉnh, Dốc Cát (TX Hoài Nhơn). Tham mưu xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII, công nhận năm 2020); cặp tượng Hộ pháp niên đại thế kỷ XII - XIII lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) công nhận năm 2020; phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII, công nhận năm 2021); cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (niên đại thế kỷ XII, công nhận năm 2023). Ngoài ra, phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ phế tích tháp Châu Thành (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn), phế tích tháp Đại Hữu (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát)…
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Ngoài gắn mã QR tại 7 cụm tháp Chăm của tỉnh, tháng 7 vừa rồi, để làm phong phú thêm đời sống văn hóa, sự sinh động cho không gian tháp Chăm, Sở VH&TT đã mời Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận đến biểu diễn tại tháp Bánh Ít và tháp Đôi nhằm tạo đà triển khai thêm các dịch vụ biểu diễn nghệ thuật tại các tháp Chăm để thu hút khách…”.
Gìn giữ và phát huy giá trị di sản
Tỉnh Bình Định cũng rất chú trọng bảo tồn di sản phi vật thể. Ngoài các lễ hội do Nhà nước tổ chức, nhiều lễ hội văn hóa dân gian của cộng đồng được bảo tồn, phát huy; nghệ thuật hát bội, bài chòi được duy trì và phát triển lan tỏa đến công chúng.
Di sản nghệ thuật bài chòi dân gian ở Bình Định được bảo tồn, lan tỏa đến công chúng. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: “Điều đáng mừng là địa phương huy động được nguồn lực xã hội hóa tôn tạo các di tích, đặc biệt có gia tộc Trần Đức ở phường Hoài Thanh Tây tự nguyện hiến tặng hơn 1.800 m2 đất và công trình kiến trúc tại Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa do gia tộc xây dựng để thị xã tiếp tục đầu tư tạo điểm đến du lịch văn hóa. Thị xã cũng rất quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể khi thành lập 17/17 CLB bài chòi dân gian tại các xã, phường của thị xã; thành lập Đoàn hát bội không chuyên Hoài Nhơn…”.
Ở Bình Định, ngoài Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh, còn có nhiều đoàn hát bội không chuyên góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật hát bội. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Cùng với hoạt động bảo tồn bảo tàng, đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật cũng được quan tâm động viên gìn giữ, trao truyền di sản cho lớp trẻ kế thừa thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Nghệ nhân ưu tú Lệ Hoa - Phó Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng, Phó Chủ nhiệm CLB bài chòi TX An Nhơn, chia sẻ: “Việc Nhà nước quan tâm xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho những nghệ nhân như chúng tôi là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi giữ “lửa nghề”, trao truyền di sản”.
Xác định văn hóa là động lực phát triển KT-XH, tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch; trong đó, tập trung tu bổ tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện, Di tích vụ thảm sát Bình An, mộ Lê Đại Cang… Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ khoa học Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát bội, bài chòi; ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ đóng góp vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, văn học, nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
ĐOAN NGỌC