Dấu ấn đất học
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã tác động mạnh mẽ tới các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục.
Từ năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai theo lộ trình và kiên trì giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục.
Kết quả đạt được đáng khích lệ. Tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học các năm học đều đạt trên 99%. Giáo dục trung học thực hiện đồng bộ đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa hình thức học tập, chú trọng giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học…
Lãnh đạo tỉnh và các học sinh giỏi, giáo viên tại Lễ tuyên dương học sinh giỏi năm học 2022 - 2023, diễn ra chiều 23.8. Ảnh: M.H
Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên khi tháng 9.2022, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 45/2022/NQ-HĐND thực hiện đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2022 - 2025. Trước đó, Sở GD&ĐT phối hợp với các địa phương đánh giá, rà soát và xây dựng danh mục các phòng học cần kiên cố hóa sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai chương trình GDPT 2018. Nhiều địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sự nghiệp giáo dục có thêm bước ngoặt mới khi tỉnh ban hành Nghị quyết 34/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con của công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Hay, Nghị quyết hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết, đến tháng 6.2023, toàn tỉnh có 415/626 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 66,3% (mầm non: 88/219 trường; tiểu học: 163/204; THCS: 134/148; THPT: 30/55), góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. So với năm 2022, tăng 4,2%; so với đầu nhiệm kỳ, tăng 42 trường.
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của tỉnh tốt nghiệp THCS đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 98,54% (cao hơn mặt bằng chung cả nước), năm 2022 đạt 98,43%. Giáo dục mũi nhọn tạo dấu ấn khi số lượng và chất lượng học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia tăng cao. Tính chung trong 3 năm học gần đây, học sinh Bình Định đã mang về 138 giải học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa (năm 2020: 32 học sinh, năm 2021: 36 học sinh, năm 2022: 34 học sinh, năm 2023: 36 học sinh).
Ông Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đánh giá năm học 2022 - 2023 khép lại với nhiều thành công. Đây là năm học đánh dấu sự bình thường hóa sau đại dịch Covid-19, cũng là năm học đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018. Thầy và trò nhà trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (năm 2023, trường có 23 học sinh đạt giải, gồm 6 giải nhì, 3 giải ba và 14 giải khuyến khích); trong đó em Trần Duy Anh Dũng (học sinh lớp 12H) là thành viên đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Trường còn liên tiếp nhận tin vui khi em Nguyễn Minh Quang (học sinh lớp 12H) và em Lê Kiến Thành (học sinh lớp 10Ti) được trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo về thành tích xuất sắc tại Cuộc thi KHKT học sinh trung học và Hội thi Tin học trẻ toàn quốc.
Không chỉ vậy, học sinh Bình Định còn tham gia tốt các sân chơi trí tuệ được tổ chức từ Trung ương tới địa phương như sáng tạo KHKT và sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; sơ đồ tư duy Việt Nam; thiếu nhi Việt Nam vươn ra thế giới...
* Nâng chất giáo dục, phát triển nguồn nhân lực
Từ nay đến năm 2025, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, toàn ngành GD&ĐT tỉnh chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, thực hiện giải pháp đột phá và lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Trọng tâm là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục…
Giám đốc Sở GD&ĐT ĐÀO ĐỨC TUẤN
* Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển
Quán triệt quan điểm GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, TX Hoài Nhơn đã tổ chức sắp xếp các trường học theo Đề án số 06-ĐA/HU của Thị ủy, từ 71 đơn vị trường học giảm còn 61 đơn vị. Các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch giảng dạy theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT phù hợp thực tiễn. Nhờ đó, thị xã luôn trong tốp dẫn đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục từng bậc học. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hằng năm, chỉ còn 0,27%. Chất lượng giáo dục được đảm bảo và duy trì ở mức cao.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn PHẠM TRƯƠNG
HOÀNG ANH