Không tăng học phí, các trường mong sớm ban hành chính sách phù hợp
Năm học mới đã bắt đầu, nhiều cơ sở giáo dục đại học mong muốn, các cấp quản lý sớm ban hành các chính sách phù hợp để hỗ trợ các trường trong bối cảnh phải thực hiện tự chủ tài chính.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023-2024. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp các trường đại học không tăng học phí kể từ khi Nghị định 81 có hiệu lực.
Thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí trong năm học 2023-2024 là tin vui với các gia đình bởi sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho con đi học. Thế nhưng, việc không tăng học phí trong năm học mới được cho là tạo ra một cú sốc lớn với nhiều trường đại học, bởi từ nhiều năm nay, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm một tỉ lệ áp đảo (khoảng 80% đến 90%) trong nguồn thu hằng năm của các trường.
Ảnh minh họa.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, các cơ sở giáo dục đại học đang đứng trước thách thức rất lớn để duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng như: giữ chân giảng viên, chi cho cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hành thí nghiệm… sau 3 năm không tăng học phí trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính. Để gỡ khó cho các trường, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp hỗ trợ, để các trường (nhất là các trường tự bảo đảm chi thường xuyên) bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện tốt sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
"Bộ GD&ĐT sẽ rất là sẽ nỗ lực và cũng đề nghị tất cả các bộ, ngành cũng quan tâm, thứ nhất là để phối hợp cùng với Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ là chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ và giảm chi ngân sách nhà nước trong Nghị định 60, để không giảm chi thường xuyên cho các trường đại học công lập. Thứ hai nữa là các trường không được tăng học phí thì làm sao Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Chúng tôi đề xuất giải pháp làm sao hỗ trợ cho trường, nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên, tương tự là Chính phủ rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị để có những chính sách hỗ trợ ngành giáo dục cùng với toàn xã hội chúng ta thực hiện tốt sứ mạng này", ông Sơn nói.
Thực hiện chỉ đạo này của Chính phủ, hiện nhiều trường đại học đã thông báo không thực hiện lộ trình tăng học phí trong năm học 2023-2024 dù đã phải chịu áp lực rất lớn từ lộ trình tự chủ tài chính. Các trường cho biết, khi được giao tự chủ, ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên không còn, 3 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các trường duy trì không tăng học phí và đã cố gắng tối đa cân đối thu, chi để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Năm học mới đã bắt đầu, dù không được tăng học phí, nhưng các cơ sở giáo dục đại học mong cơ quan quản lý sớm có giải pháp để các trường có nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động đào tạo.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến: "Theo Nghị định 81 và theo luật mới cũng phải xây dựng theo định mức kinh tế - kỹ thuật tức là tính đúng tính đủ để đảm bảo chất lượng đầu ra thì chúng tôi cũng đã thực hiện theo đúng lộ trình đấy. Năm nay lại dừng như thế nữa thì một năm nữa nhà trường lại tiếp tục không có nguồn kinh phí nào từ nguồn chi thường xuyên cả. Trong khi đó, mức thu học phí thì lại không có thì khó khăn nhân lên gấp đôi. Với bối cảnh như vậy, rất mong Chính phủ cũng như các Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT sớm có sự xem xét, thay đổi, sớm kịp thời điều chỉnh để làm sao tạo sự an tâm, vững tin cho cơ sở giáo dục đại học".
Theo Minh Hường (VOV1)