Tín dụng chính sách trợ lực đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều năm qua Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp cận và vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) tại các huyện trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, năm 2023 Ngân hàng CSXH tỉnh đã củng cố, nâng cao hoạt động tín dụng ở cơ sở, tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất, nhu cầu vay vốn của người dân. Để chuyển tải nhanh nguồn vốn ưu đãi đến với các nhóm đối tượng được hưởng lợi, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể tại địa phương thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, thời hạn, lãi suất ưu đãi của từng chương trình TDCS cho người dân biết. Cán bộ ngân hàng cùng với tổ trưởng tổ TK&VV đến từng nhà dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên tổ TK&VV; chủ động hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu vay vốn hoàn thành các thủ tục cần thiết và thẩm định hồ sơ, tiến hành giải ngân, không để người dân chờ đợi lâu.
Chính quyền các địa phương xem việc đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nên đã chỉ đạo ngành chức năng, hội, đoàn thể tích cực tư vấn người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Không những vậy, ở nhiều nơi, chính quyền xã còn trích ngân sách tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng KHKT vào thực tế, tăng hiệu quả đầu tư. Sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm giữa các đơn vị đã giúp bà con phát huy được hiệu quả vốn vay, có tiền trả nợ vay đúng hạn và tích lũy được vốn để tái đầu tư.
Nhiều hộ dân ở huyện Vân Canh đã sử dụng nguồn vốn vay tín dụng chính sách để đầu tư phát triển rừng trồng. Ảnh: TIẾN SỸ
Chị Đoàn Thị Nựng, dân tộc Chăm, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, chia sẻ: Trước đây, tôi đã nhiều lần được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn để đầu tư mở rộng diện tích rừng keo, phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Mới đây tôi tiếp tục được vay thêm 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới. Hiện nhà đã xây dựng xong, rộng rãi, thoáng mát, gia đình an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Nguồn vốn vay từ các chương trình TDCS cũng đã “trợ lực” cho các hộ ở huyện Vĩnh Thạnh như: Đinh Văn Khuân (xã Vĩnh Thuận), Võ Văn Nhơn (xã Vĩnh Hảo)… vươn lên trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
Ông Võ Văn Nhơn cho hay: “Thông qua các tổ TK&VV của Hội Nông dân huyện, tôi đã không ít lần được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư thêm lồng bè, thả nuôi 2 vụ cá/năm. Tôi còn được hỗ trợ về kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy cá tôi nuôi phát triển nhanh, đồng đều, ít bị mắc bệnh, đầu ra sản phẩm khá ổn định. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng. Kinh tế ngày càng phát triển, gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo con cái chu đáo và tích lũy vốn để tái đầu tư.
Theo ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện nguồn vốn tín dụng CSXH đã “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 6 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt 131 tỷ đồng, với gần 3.000 lượt hộ được vay vốn. Qua đó, giúp người dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tới đây, ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả các điểm giao dịch ở cơ sở và các tổ TK&VV nhằm giải quyết vốn vay cho người dân một cách nhanh nhất; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn bà con đầu tư phát triển kinh tế, phát huy nguồn vốn hiệu quả.
PHẠM TIẾN SỸ