KỊCH TÁC GIA LÊ DUY HẠNH:
Người nặng nghiệp với tuồng Bình Định về cõi vĩnh hằng
Kịch tác gia Lê Duy Hạnh (1947- 2023) mới từ trần ngày 6.9.2023 tại nhà riêng ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi. Cùng với nhiều vở cải lương nổi tiếng, đạt giải cao tại nhiều kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, nhắc đến ông người ta sẽ nhắc đến vở tuồng xuất sắc. Lê Duy Hạnh là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ sáng tác kịch bản sân khấu. Từ nay, sân khấu kịch hát dân tộc, trong đó có nghệ thuật tuồng Bình Định thiếu vắng một tác giả lớn, tài năng và tâm huyết.
Kịch tác gia Lê Duy Hạnh
Là người con của quê hương Bình An, Tây Sơn, nên chất tuồng ngấm vào Lê Duy Hạnh từ tấm bé. Khi trưởng thành có cơ hội được đào tạo bài bản tại Trường viết văn Nguyễn Du, Lê Duy Hạnh sớm khẳng định mình trong làng viết. Sinh ra trên đất Tây Sơn nên mảng đề tài lịch sử trên sân khấu kịch hát dân tộc với chủ đề Quang Trung - Tây Sơn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống các tác phẩm của ông. Đặc biệt, giữa ông với Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh) có mối quan hệ hết sức khắng khít.
Với Lê Duy Hạnh, viết kịch lịch sử dân tộc không phải diễn đạt lại những sự kiện sẵn có mà còn phải khai thác, tạo ra những chi tiết thật đắt, chuyển tải được suy nghĩ của con người, xã hội, thời đại. Lời văn của Lê Duy Hạnh tinh tế, nhuần nhị và mang tính triết lý sâu sắc, bố cục kịch chặt chẽ. Nhờ vậy, hiếm khi đạo diễn phải thay đổi khi dàn dựng.
Điển hình là vở tuồng Mặt trời đêm thế kỷ với hình tượng nhân vật trung tâm là vua Quang Trung. Đây là là vở tuồng được dàn dựng để phục vụ Đại hội đảng toàn quốc năm 1986 và được lãnh đạo Trung ương hết sức khen ngợi. Hay như ở vở tuồng Sáng mãi niềm tin với nhân vật chính là Bác Hồ - Lê Duy Hạnh từng kể ông mất đến 6 tháng trời trăn trở chỉ để tháo gỡ một mắc míu, làm sao để Bác có thể hát Nam. Để Bác xuất hiện theo cách thông thường và nói thì kịch nói, cải lương đều đã có. Cuối cùng, Lê Duy Hạnh đã tạo tình huống kịch để Bác Hồ đi ra từ trong rừng cây và hát Nam, bối cảnh - không gian - tình huống và lời hát hòa quyện hợp tình, hợp lý nên cả diễn viên vào vai Bác Hồ (NSND Võ Sỹ Thừa) và vở diễn đều giành HCV tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990.
Vở Mặt trời đêm thế kỷ do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng, biểu diễn.
NSƯT Thanh Bình, diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh, tâm tình: Tôi có may mắn được tiếp xúc, làm việc, đóng một số vai trong các vở diễn của kịch tác gia Lê Duy Hạnh và gặt hái một số thành tích, như HCB - vai Kim Xu Dâng trong vở Cội nguồn (2005), HCV - vai Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong vở Vua thánh triều Lê (2022)… Lời văn trong kịch của ông thâm thúy, sâu sắc. Diễn viên muốn thủ vai thành công phải có kiến thức văn chương mới cảm thụ, thẩm thấu được ý nghĩa, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Nhờ có cơ hội trò chuyện, nghe ông diễn giải, phân tích tôi đã diễn tốt hơn.
Vở Sáng mãi niềm tin Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng, biểu diễn.
Từng viết nhiều kịch bản có nhân vật Quang Trung, song ở vở Trời Nam Lê Duy Hạnh chọn một thời điểm lịch sử hội tụ nhiều thời khắc quan trọng để ở đó vua Quang Trung hiện lên không chỉ với tư cách là một thiên tài thao lược, thông tuệ, quyền biến trong ngoại giao, một vị quân vương vừa cháy bỏng với sự tồn vong của dân tộc vừa đau đáu nỗi thương dân. Tác giả và cả đạo diễn đã cùng đẩy hình tượng Quang Trung luôn ngẩng cao đầu, thể hiện quyết tâm tiêu diệt ngoại xâm, dẹp yên nội loạn, diệt trừ Tây Dương dòm ngó Đại Việt. Với Trời Nam, Lê Duy Hạnh cùng Nhà hát tuồng Đào Tấn lại ghi một mốc son mới bằng tấm HCV tại Hội diễn Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 1999.
Vở Trời Nam do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng, biểu diễn.
Tác giả Đoàn Thanh Tâm (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh) chia sẻ: Nét đặc trưng riêng trong các tác phẩm của ông là các lớp diễn mang đậm đặc chất tuồng, luôn hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Ông viết về lịch sử nhưng không minh họa lịch sử mà luôn phả hơi hướng thời đại, bài học, thông điệp vở diễn đến người xem hôm nay.
Lê Duy Hạnh là người tinh thông tuồng cổ và biết sáng tạo trên cơ sở truyền thống. Từ cơ sở trích đoạn Lan Anh lạc đẻ trong tuồng Hộ sanh đàn, trong vở Cội nguồn ông đã liên tưởng và sáng tạo cảnh bà Sáu Bình đẻ trong vụ thảm sát Gò Dài. Sự sáng tạo của tác giả ẩn chứa dáng dấp của truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở thời đại và tạo điều kiện cho diễn viên phát huy khả năng, sở trường của bản thân. Trong Cội nguồn, với tính thể nghiệm cao Lê Duy Hạnh không chỉ đưa lên sân khấu lính Đại Hàn, cố vấn Mỹ với bối cảnh cụ thể về cuộc thảm sát Bình An mà còn chuyển tải vấn đề vừa thời sự vừa nhạy cảm, gác lại quá khứ đau thương cùng nhau hướng tới tương lai, thấu hiểu nhau hơn. Vở diễn đã giành giải B tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005.
Năm 2001, ghi nhận những đóng góp to lớn của kịch tác gia Lê Duy Hạnh với sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là qua 3 kịch bản tuồng Mặt trời đêm thế kỷ, Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc và Trời Nam, Nhà nước đã trao tặng cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nói về tình cảm của bản thân và gia đình với nghiệp Tuồng và quê hương Bình Định, kịch tác gia Lê Duy Hạnh bộc bạch: Nhà hát đã tạo dấu ấn lớn cho các vở diễn của tôi. Kịch bản tốt đến mấy nếu chỉ ở trên giấy thì cũng chỉ là văn bản, nó chỉ có đời sống thật sự khi thành vở diễn và đến với công chúng. Chính vì thế mà tôi là người có nhiều kỷ niệm đẹp với Nhà hát, với nghệ thuật tuồng và với quê hương Bình Định yêu thương - Nơi tôi được sinh ra và tuổi thơ tôi gắn bó. Tuồng Bình Định là nguồn sáng tạo nghệ thuật vô tận đã định hướng hoạt động của đời tôi.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG