Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ:
Kính ngưỡng người “giúp dân dựng nước, xiết bao công trình”
Theo lệ cũ đã có từ hàng trăm năm nay, vào ngày 29.7 âm lịch hằng năm (năm nay nhằm ngày 13.9), người dân huyện Tây Sơn lại góp của, góp công cùng nhau tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (dân gian quen gọi là Giỗ Vua) nhằm tôn vinh công đức của Ngài cùng các vị anh hùng dân tộc, nghĩa quân Tây Sơn trong sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước. Nhiều năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền và ngành Văn hóa tỉnh, Lễ giỗ càng thêm trang trọng, thành kính.
Lễ Giỗ Vua do tỉnh tổ chức hằng năm, nhưng chính quyền và người dân huyện Tây Sơn đều chung tay góp công, góp của để giỗ nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tiền nhân. Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, năm nay kỷ niệm 231 năm ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (1792 - 2023). Vì là năm lẻ, Giỗ Vua tổ chức quy mô vừa phải nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức cổ truyền tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt.
Lễ giỗ vua Quang Trung dù tổ chức quy mô lớn hay nhỏ vẫn đảm bảo nghiêm cẩn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Bên cạnh việc phối hợp Bảo tàng Quang Trung tổ chức các khâu liên quan đến tuyên truyền trực quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo ANTT, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịp này huyện cũng chuẩn bị đón tiếp các đoàn khách mời, gồm: Quận Đống Đa (TP Hà Nội), TX An Khê (tỉnh Gia Lai), Hội đồng hương Tây Sơn tại các tỉnh, thành phố về dâng hương, dâng lễ. Đồng thời, giao 14 xã và thị trấn Phú Phong - mỗi địa phương chuẩn bị một mâm cỗ gọn gàng, trang nghiêm để dâng cúng Vua.
Không chỉ những người con “đất Võ, trời Văn” tự hào về quê hương mình, nhiều tổ chức, đơn vị và người dân các nơi khác khi về dâng hương Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt cũng xúc động dạt dào hướng về cội nguồn dân tộc. Ông Nguyễn Thanh Điệp, Trưởng phòng VH-TT TX An Khê (tỉnh Gia Lai), chia sẻ: “Vào ngày 28.7 âm lịch hằng năm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TX An Khê cũng tổ chức Lễ Giỗ Vua. Chúng tôi càng tự hào hơn khi Quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo - nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa nông dân do ba anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo những năm cuối thế kỷ XVIII được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2021. Năm nào cũng vậy, Giỗ Vua ở TX An Khê đều có lãnh đạo huyện Tây Sơn lên dự và lễ giỗ tổ chức tại huyện Tây Sơn đều có lãnh đạo TX An Khê xuống dự, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo cùng nhau liên kết phát triển trên nhiều lĩnh vực”.
Trong tâm thức mỗi người dân Bình Định - Tây Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung, ai cũng tự hào về Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, về vương triều Tây Sơn oai hùng trong lịch sử. Anh Nguyễn Lê Xuân Vinh, du khách đến từ TP Đà Nẵng, chia sẻ: “Lần đầu tiên gia đình tôi đến Bảo tàng Quang Trung. Dù không phải dân Bình Định, nhưng khi vào dâng hương Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cũng như tất cả người dân Việt Nam, chúng tôi đều thấy rất đỗi thiêng liêng, kính ngưỡng vị anh hùng Áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn lưu danh sử sách được muôn dân tưởng nhớ. Những chuyến về nguồn ý nghĩa như thế này giúp các con tôi hiểu hơn về lịch sử dân tộc”.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Lễ giỗ vua Quang Trung cơ bản hoàn tất, đảm bảo ý nghĩa, trang nghiêm, tiết kiệm. Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết thêm: Ngoài chuẩn bị lễ cúng tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bảo tàng Quang Trung cũng phối hợp với UBND huyện Tây Sơn thực hiện nghi lễ khấn cáo tại Đài Kính Thiên, Đền thờ Song thân Tây Sơn Tam Kiệt vào chiều 28.7 âm lịch (ngày 12.9). Vọng cúng vật phẩm tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng đảm bảo nghiêm cẩn, chu đáo nhân dịp Giỗ Vua…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN