Khoanh, xóa tiền nợ thuế cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Thận trọng, chính xác
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhằm giảm chi phí, công sức để doanh nghiệp dành thời gian sản xuất kinh doanh, Cục Hải quan tỉnh đã chủ động thực hiện khoanh, xóa nợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Nghị quyết 94/2019 của Quốc hội.
Nghị quyết 94/2019 của Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020) quy định cụ thể DN, trong đó có DN xuất nhập khẩu còn nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1.7.2020 không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước được khoanh, xóa nợ.
Nhân viên Cục Hải quan tỉnh kiểm tra, xác lập hồ sơ của DN thuộc diện xóa nợ. Ảnh: TIẾN SỸ
Theo Cục Hải quan tỉnh, giải quyết tình trạng nợ đọng đối với DN không còn khả năng thu nộp ngân sách là vấn đề nan giải, càng để lâu thì số tiền nợ bị “treo” càng tăng, ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý và điều hành thu ngân sách của ngành Hải quan. Nghị quyết 94/2019 của Quốc hội có hiệu lực thi hành không những hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, mà còn giúp cơ quan Hải quan tháo gỡ nút thắt trong việc xử lý nợ không còn khả năng thu, từ đó giảm áp lực quản lý nợ, dành thời gian và nhân lực thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Để triển khai kịp thời và chính xác Nghị quyết 94, cơ quan Hải quan tỉnh đã phát huy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc kiểm tra, rà soát, xác lập hồ sơ các DN thuộc diện khoanh nợ, xóa nợ. Theo quy định, DN và khoản thuế được khoanh nợ thuộc phạm vi xử lý của các chi cục trực thuộc Cục Hải quan Bình Định.
Ông Trương Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, cho hay: Có nhiều DN thuộc diện khoanh, xóa nợ đã ngừng hoạt động và có những khoản nợ tồn tại từ rất lâu, cần phải kiểm tra, rà soát thật kỹ, đảm bảo chính xác từng DN cùng từng khoản nợ được khoanh, xóa. Tất cả thông tin, dữ liệu phải thể hiện đầy đủ trong hồ sơ của DN trước khi thẩm định và ban hành quyết định khoanh. Để đảm bảo yêu cầu đó, chúng tôi khai thác triệt để các dữ liệu lưu trữ hiện có trên hệ thống của ngành; đồng thời chủ động liên hệ với ngành chức năng thu thập, xác minh thông tin, bổ sung vào hồ sơ của DN. Tiếp đến, phân loại từng đối tượng, từng khoản thuế thuộc diện khoanh nợ để xử lý theo đúng thẩm quyền.
Với tinh thần trách nhiệm cao, đến ngày 30.6, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quy Nhơn đã ban hành các quyết định khoanh nợ theo quy định Nghị quyết 94 của Quốc hội đối với 24 DN, số tiền 11,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn khoanh nợ theo Điều 83 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cho 4 DN với số tiền 4,8 tỷ đồng. Đối với DN thuộc diện được xóa nợ, Cục Hải quan tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xác lập và thẩm định hồ sơ gửi UBND cấp tỉnh xem xét, ban hành quyết định xóa nợ cho DN.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Phong, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho hay: Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thu thập và trao đổi thông tin liên quan đến tình hình nợ thuế của các DN xuất nhập khẩu cũng như việc xác lập hồ sơ xử lý xóa nợ cho DN. Sau khi hồ sơ đầy đủ các điều kiện cần thiết, Cục Hải quan tỉnh phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh… tham mưu UBND tỉnh xem xét xóa nợ cho DN. Hiện UBND tỉnh đã ban hành quyết định xóa nợ cho 18 DN với số tiền trên 1,5 tỷ đồng.Việc khoanh nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được thực hiện thận trọng, chính xác, đảm bảo công khai, minh bạch. Hiện Cục Hải quan tỉnh tiếp tục theo dõi, nắm thông tin các DN có số nợ thuế được khoanh nợ, trường hợp DN quay lại hoạt động sẽ tiến hành hủy các quyết định đã ban hành và triển khai thực hiện các biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi tiền thuế nợ theo quy định.
PHẠM TIẾN SỸ