Khởi nghiệp ở làng
Với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số không ngại khó khăn, vất vả, quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.
Dám nghĩ, dám làm
Theo lời giới thiệu của Xã đoàn Bók Tới (huyện Hoài Ân), từ trung tâm xã, chúng tôi vượt qua con đường dài khoảng 2 km với nhiều con dốc để đến được nhà anh Đinh Văn Vun (SN 1996, dân tộc Bana, ở làng T6), một thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của làng.
Anh Đinh Văn Vun chăm sóc đàn bò. Ảnh: D.Đ
Anh Vun cho biết, tháng 6.2020, sau khi tốt nghiệp khoa Lý luận chính trị - Luật và Quản lý nhà nước (Trường ĐH Quy Nhơn), ở lại thành phố không tìm được việc làm, nên anh lựa chọn trở về quê lập nghiệp.
Trên mảnh đất vườn rộng 6 ha, với số vốn 30 triệu đồng được cha mẹ hỗ trợ, anh Vun xây dựng chuồng trại, mua 6 con heo nái sinh sản để nuôi. Nhờ nắm vững kiến thức, chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn heo đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2021, anh Vun còn được Xã đoàn Bók Tới hướng dẫn vay 35 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, mua thêm 2 con bò giống, trồng thêm 5,5 ha cây keo và nhiều loại cây ăn quả khác. Nhờ kết hợp tốt các loại hình chăn nuôi, trồng trọt, anh đã có thu nhập ổn định gần 90 triệu đồng/năm.
Anh Vun cho hay: “Để có được mô hình kinh tế phát triển như hôm nay, tôi đã được địa phương và Xã đoàn Bók Tới giúp đỡ, tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả khác. Do vậy, tôi đã có hướng đi đúng, vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế”.
Hay như tấm gương của chàng trai trẻ Bùi Ngọc Thanh (SN 1992, dân tộc Mường, ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh). Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Thanh quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng rau quả sạch. Nhận thấy ở Vĩnh Sơn có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, anh trồng thử nghiệm một số loại rau quả và cho kết quả tốt.
Đến năm 2021, anh Thanh tận dụng 5 sào đất trống của gia đình để trồng nhiều loại rau, quả khác nhau như dâu tây, măng tây, chanh dây, rau cải, bí đỏ, khổ qua, cà... Mô hình được áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học. Sau một thời gian nỗ lực cố gắng, đến nay mô hình của anh phát triển tốt, cho thu nhập mỗi năm gần 150 triệu đồng.
Anh Thanh chia sẻ: Thời gian tới, tôi sẽ đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tạo ra sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao, cạnh tranh được trên thị trường. Đồng thời, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch, tạo sự phong phú cho các tour, phát huy tiềm năng du lịch trải nghiệm tại Vĩnh Sơn.
“Tiếp lửa” thanh niên khởi nghiệp
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thành Trung, thời gian qua, các tổ chức Đoàn, Hội đã tập trung hỗ trợ ĐVTN là người dân tộc thiểu số (DTTS) khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Các hoạt động cụ thể như: Tổ chức các khóa đào tạo, chương trình tập huấn về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên; tập huấn kiến thức về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên; hỗ trợ sinh kế (tặng con, cây giống)…
Anh Bùi Ngọc Thanh chăm sóc rau. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH các huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên đạt hơn 124 tỷ đồng, với 1.619 hộ vay. Nhờ vậy, nhiều thanh niên DTTS triển khai mô hình hiệu quả, sáng tạo, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại thu nhập cao.
Tuy nhiên, trong hành trình khởi nghiệp, thanh niên DTTS còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu vốn, kỹ thuật, chưa có sự liên kết... nên chưa có mô hình với quy mô lớn, hầu hết chỉ nhỏ lẻ, manh mún.
“Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên DTTS để họ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế; tiến hành nhân rộng các mô hình hiệu quả và kết nối giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các cấp, ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp cho ĐVTN”, anh Trung nhấn mạnh.
DUY ÐĂNG