Tháp Thầy Bói - nhắc lại đôi điều thú vị
Tháp Thầy Bói tọa lạc trên một cụm đá nổi lên giữa đầm Thị Nại, từ lâu đã là một danh thắng của TP Quy Nhơn. Xung quanh nguồn gốc địa danh này có nhiều giả thuyết khác nhau. Cùng với đó cũng có một số thông tin lịch sử thiết nghĩ rất nên nhắc lại để ít nhất có thể tăng thêm phần thú vị cho du khách khi đến tham quan nơi này.
1. Trong tác phẩm Nước Non Bình Định, Quách Tấn viết: “Trong đầm ở phía Tây, gần phía Qui Nhơn nổi lên một cụm đá rộng, chừng một vài sào và cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi khi thủy triều lên. Người ta gọi là tháp Thầy Bói. Không hiểu tại sao lại gọi thế. Có người bảo rằng xưa kia có một bốc sư bói hay như thần, xây một tòa tháp tại đó. Ai muốn hỏi phải chịu khó đi thuyền ra. Sau khi bốc sư qua đời, tháp không có người coi ngó bị sóng gió phá hoại. Hiện trên mỏm đá có một miếu nhỏ do anh em ghe thuyền lập để thờ thủy thần”…
Tháp Thầy Bói. Ảnh: QUỐC TUYÊN
Nhưng khoảng trăm năm trước đó, quãng năm 1870, sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn khi mô tả đầm Biển Cạn - một tên gọi cổ xưa của đầm Thị Nại - đã chép như sau: “Nước đầm đổ vào cửa Thị Nại, trong đầm có một núi nhỏ tục gọi Tháp Thầy Bói, phía tả là Gành Hổ, phía hữu là Bãi Nhạn. Lại phía tả có Vũng Tàu, Gành Triều, là Bãi Sò, là Mũi Cổ Rùa, phía Bắc có thôn Huỳnh Giản”.
Điểm dễ nhận ra là ở khu vực quanh tháp Thầy Bói có một số địa danh có tên: Bãi Nhạn, bãi Sò, gành Hổ, mũi Cổ Rùa… cho thấy những địa danh quanh đây hầu như đều gắn liền với tên các con vật. Có con sống trên cạn (hổ), con dưới nước (sò), con ở trên không (nhạn), có con vừa ở đất vừa ở nước (rùa). Thế nên địa danh tháp Thầy Bói còn có thêm một cách giải thích khác, theo đó rất có thể đã trùng lặp với tên một loài chim là chim thầy bói, còn gọi là chim bói cá - loài chim thường tụ ở các gành đá để bắt mồi. Cụm đá nhô lên giữa đầm Thị Nại trông như ngọn tháp mà thành tên. Xem ra nó hợp lý hơn là chuyện có ông thầy bói trú ngụ ở am giữa đầm mà rồi thành tên địa danh.
Vậy cái am/miếu xây dựng trên cụm đá giữa đầm có từ lúc nào? Tục thờ cúng thần vật của người Việt đã có từ ngàn xưa, ngư dân quanh đầm Thị Nại sống nhờ vào con tôm con cá đâu chỉ mới gần đây. Chuyện dân gian tự xây một cái am để thờ thủy thần, cầu cho suôn sẻ hằng năm mưu sinh là chuyện thường có. Có lẽ từ khi có người định cư và lấy sông, biển đầm làm chốn mưu sinh, am/miếu cũng đã có ngay sau đó không lâu.
2. Vào thời Tây Sơn, có một sứ đoàn người Anh đến Quy Nhơn xin yết kiến vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, đặt vấn đề bang giao, thông thương, trao đổi hàng hóa. Trưởng đoàn sứ đoàn này Charles Chapman sau đã tường trình lại chuyến đi này cho Toàn quyền Anh và Công ty Đông Ấn thuộc Anh ở Bengal, trong đó có đề cập việc vua Thái Đức Nguyễn Nhạc đã tổ chức một buổi hiến tế ở vịnh Quy Nhơn hôm 26 tháng 7 năm 1778. Đoạn tường thuật như sau: “Trên đường từ triều về chúng tôi gặp nhà vua vượt qua. Nhận được vài tin xấu về lực lượng thuyền chiến ở Đồng Nai, ông sắp sửa cử hành nghi thức hiến tế tại một ngôi miếu ở trong vịnh nơi tàu của chúng tôi neo đậu” (British Mission to CochinChina).
Charles Chapman kể: “Sau đó chúng tôi trông thấy ông vượt sông và cập bờ tại đền thờ. Ông ở trong một chiếc thuyền có mái che, cùng tham dự có 5 hoặc 6 thuyền chèo với chừng 200 người”.
Thử hình dung nơi vua Thái Đức tổ chức hiến tế là một ngôi đền ở giữa vịnh Quy Nhơn, thì đó có lẽ không thể khác hơn chính là cái am/miếu trên cụm đá giữa đầm Thị Nại. Nói cách khác tháp Thầy Bói với đời sống, sinh hoạt tâm linh đã xuất hiện trong thời Tây Sơn. Đoạn tường trình trên cũng hé ra thêm một chi tiết vua Thái Đức Nguyễn Nhạc “nhận được tin xấu ở Đồng Nai”, nói cách khác chính là sự biến liên quan đến đội quân Tây Sơn ở Gia Định.
Nguyên tháng 2 năm Mậu Tuất 1778, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc sai Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy (Oai) từ Phiên Trấn (Gia Định) đánh phá ra các địa phương ven sông, phái Hộ giá Phạm Ngạn từ Quy Nhơn vào Bình Thuận, đem thủy sư đánh lấy Trấn Biên (Biên Hòa). Bấy giờ Nguyễn Ánh xưng vương, được quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn hỗ trợ, tổ chức phản công. Tin tức xấu khiến một ông vua phải cử hành một nghi thức như thế phải tương đối lớn, trong khung thời gian ấy chính là việc tổn thất thủy binh và Tư khấu Oai bị quân Đông Sơn chém chết trong chiến trận Bến Nghé tháng 5 năm Mậu Tuất. Và như thế có thể thấy rằng từ thời Tây Sơn, am/miếu trên cụm đá giữa đầm Thị Nại - nơi mà ngày nay ta quen gọi là tháp Thầy Bói, đã có vị trí không hề tầm thường.
3.Tháp Thầy Bói hiện nay chưa là di tích tâm linh, nhưng ngoài ngôi miếu xưa nay đã được sửa sang lại, một vài công trình nhỏ khác mang dáng dấp kiến trúc tín ngưỡng đã mọc lên. Những công trình trên cụm đá giữa đầm không còn mang ý nghĩa cầu an cho việc mưu sinh sông nước, để ngư dân thêm niềm tin khi vượt qua đầu sóng ngọn gió; chúng cũng không phải là nơi ghi nhớ cho biết bao xương trắng trầm lắng dưới đáy đầm từ những cuộc lửa binh giữa hai phe Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu. Cũng không mấy người nhớ đến việc vua Thái Đức Nguyễn Nhạc từng thực hiện nghi thức hiến tế, nhang khói tưởng nhớ cho binh lính của ông nằm xuống ở Gia Định năm 1778. Một điểm đến thu hút nhiều du khách có lẽ nên được hoàn chỉnh thông tin giới thiệu để tránh việc vẽ vời ly kỳ hóa, hoặc dị đoan hóa một danh thắng ở sát bên trung tâm TP Quy Nhơn.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ