Bộ Giao thông Vận tải: Đã nối dài được hơn 1.000km dự án đường cao tốc Bắc-Nam
Kết quả này là cả quá trình nỗ lực của các đơn vị thi công, nhà thầu vượt qua nhiều thách thức, khó khăn trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch Covid-19 cũng như thiếu hụt nguyên vật liệu.
Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 đã được đưa vào khai thác đã góp phần rút ngắn thời gian lưu thông và phát triển KT-XH của địa phương nơi có tuyến đi qua. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn từ Ninh Bình-Nghệ An sáng 8.9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết dự án hoàn thành đã góp phần nối dài liền mạch cao tốc của cả nước.
Cụ thể, việc hoàn thành các dự án thành phần từ Ninh Bình-Nghệ An tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc-Nam lên khoảng 1.050km; góp phần nối thông tuyến đường cao tốc từ Hà Nội-Nghệ An dài 251km, rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng 3,5 giờ so với 5 giờ như trước đây.
“Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác 649km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến thời điểm hiện nay là 1.822km”, ông Thắng nói.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng nhấn mạnh kết quả này là cả quá trình nỗ lực của các đơn vị thi công, nhà thầu vượt qua nhiều thách thức, khó khăn trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội không thể huy động nhân sự, máy móc vào công trường; địa hình địa chất phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao, tình hình tài chính của các doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng dịch; thiếu hụt nguồn vật liệu...
Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã không quản ngại khó khăn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tế hiện trường, với tinh thần “hăng say lao động”, “vượt nắng, thắng mưa”, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết trên công trường và sự ủng hộ tích cực của nhân dân khu vực dự án, kịp thời hoàn thành các hạng mục là đường găng của dự án như công trình hầm, cầu lớn, xử lý nền đất yếu..., góp phần quan trọng đưa dự án vào khai thác đúng theo kế hoạch.
Đặc biệt, dự án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực của các nhà thầu, công nhân lao động đã hoàn thành đoạn cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông (TEDI) cho hay trong quá trình triển khai, tư vấn có cách thức phương án triển khai phù hợp nhanh hơn như ngay từ khi bắt đầu dự án đã triển khai phương án tổng thể về khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, bóc tách các phương án kỹ thuật.
Ngoài ra, TEDI cũng đã thành lập các nhóm chuyên môn hồ sơ hướng dẫn về kỹ thuật, quan điểm thiết kế đến phương pháp tính toán hạn chế tối đa làm đi làm lại nhiều lần; áp dụng công nghệ mới từ khảo sát địa hình, địa chất, đường cầu hầm xử lý nền đất yếu… giúp đẩy nhanh tiến độ tính chính xác của dự án.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định thời gian đi lại rút ngắn giữa các địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua đã góp phần phát triển KT-XH vượt bậc.
Rút ra bài học thực tiễn kinh nghiệm tại dự án này về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công được triển khai linh hoạt, kịp thời để đảm bảo tiến độ dự án, ông Liêm đề xuất Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ kết nối liên thông với cao tốc; hoàn thiện các đường gom, đường tuyến địa phương tạo điều kiện đi lại sinh hoạt của người dân; rà soát hoàn thiện phương án tổ chức giao thông để xử lý kịp thời ùn tắc, tai nạn giao thông và phòng cháy chữa cháy; đầu tư hoàn thiện giai đoạn 2 cao tốc Bắc-Nam theo quy hoạch của dự án nhằm tăng năng lực lưu thông trong tương lai.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)