Vườn nho lạ bên bờ sông Lại
Gần đây, ông Phùng Bá Thân (SN 1966), một nông dân ở khu phố Bình Chương, phường Hoài Ðức, TX Hoài Nhơn đã trồng thành công nhiều giống nho ngoại nhập, từ đó truyền cảm hứng và mở ra hướng đi mới cho những nhà vườn ven sông Lại.
Vườn nho của ông Phùng Bá Thân nằm cạnh bờ Nam sông Lại. Từ quãng tháng 6.2023 đến nay, khi nho trong vườn chín đều và ngày càng dày trái, gần như ngày nào ông cũng tiếp hàng chục đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm và học hỏi cách trồng nho.
Ông Thân kể: Trước năm 2019 tôi sở hữu 8 chiếc máy gặt, quanh năm tôi và đội thợ đi khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam gặt lúa thuê. Một lần đến tỉnh Bắc Giang, tôi thấy trại nho thực nghiệm của Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang khá quy mô. Khi tìm hiểu thì thấy mình cũng có thể làm một trại nho như thế, tôi bèn ấp ủ ý tưởng trồng nho. Ít năm trước, nhận thấy thị trường dịch vụ gặt thuê đã bão hòa, cạnh tranh khốc liệt, tôi bán lại toàn bộ máy gặt của mình và chuyển sang đầu tư trồng nho. Trước khi chuyển hướng, đích thân tôi vào Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, tỉnh Ninh Thuận tìm hiểu các giống nho và tham quan các vườn của người trồng nho chuyên nghiệp nơi đây. Đến tháng 10.2021, tôi lại ngược ra Trại thực nghiệm của Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang nhận chuyển giao kỹ thuật và mua 340 cây nho giống, trong đó có 280 gốc Hạ Đen, còn lại là các giống Mẫu Đơn, Ngón tay đỏ, Hồng Ngọc với giá mỗi cây từ 350 - 380 nghìn đồng về trồng trên diện tích 0,4 ha vườn nhà.
Gần đây vườn nho của ông Phùng Bá Thân đã trở thành điểm đến thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: D.B.S
Con đường làm chủ kỹ thuật trồng nho và làm sao để cây nho có thể xanh tốt, ra nhiều trái ở chân đất ven sông Lại không hề đơn giản. Ví dụ để có được vườn nho phát triển đồng đều, gốc nho bụ bẫm, hạn chế việc bị ngã đổ trong mùa mưa bão, ông Thân đã đầu tư gần 400 triệu đồng để san gạt mặt bằng có độ nghiêng nhẹ, đảm bảo thoát nước đúng yêu cầu kỹ thuật. Vườn nho của ông Thân có mái vòm bằng nhựa PE che chắn đảm bảo cân đối đủ lượng nắng cần thiết, ngăn được nước mưa, sương muối để chống cháy lá non, toàn bộ các gốc nho đều được tưới, bón phân bằng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đảm bảo độ ẩm thích hợp.
Chị Nguyễn Thị Ngà chia sẻ: Nhà ở phường Bồng Sơn nhưng nghe tin ở phường Hoài Đức quê mình có một vườn nho đẹp như trong phim ngoại quốc, chính tôi cũng nửa tin nửa ngờ. Phải đến khi đi giữa vườn nho tươi đẹp của ông Thân, tôi mới tin và phải thừa nhận là vườn nho bài bản và quá đẹp; hương vị trái nho rất ngon, bạn bè tôi ai cũng thích thú.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Đức, nhận xét: Dù mới chỉ thu hoạch vụ nho chiến nhưng rõ ràng vườn nho của ông Phùng Bá Thân đã gợi ra một hướng đi mới khá thú vị. Tới đây, nếu vườn nho đạt sản lượng tốt, chúng tôi sẽ đàm phán để ông Thân cho phép nhiều người đến tham quan học hỏi, chuyển giao kỹ thuật trồng nho mà ông đã làm chủ; đồng thời khuyến khích những hộ có điều kiện, nhất là những hộ ở ven sông Lại, đầu tư làm nhiều vườn nho theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, nâng cao thu nhập, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác. Với nhiều vườn nho ven sông, bà con còn có thể tính đến việc chế biến sản phẩm sau thu hoạch, kết hợp làm du lịch nhà vườn…
Ông Thân bộc bạch: Cây nho có thể cho trái liên tục trong 15 - 20 năm nếu mình chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật. Từ tháng 6 đến giờ trong vụ trái chiến đầu tiên, những chùm nho Hạ Đen, Mẫu Đơn, Ngón Tay Đỏ thu hút rất nhiều người đến tham quan, hầu hết đều rất bất ngờ khi tận mắt chứng kiến một vườn nho với nhiều giống nho lạ ngay tại Hoài Nhơn, Bình Định. Vụ trái đầu tiên này chủ yếu tôi dành để phục vụ khách đến tham quan, chụp ảnh check-in trong vườn nho và làm quà. Vụ trái chiến thành công giúp tôi đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm, điều chỉnh về kỹ thuật để cây nho thêm phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, chăm sóc cắt tỉa, điều tiết sinh trưởng để nho cho trái và chín đều đúng vào dịp tết Giáp Thìn 2024.
DIỆP BẢO SƯƠNG