Thổi sức trẻ vào nghệ thuật truyền thống
Nhiều bạn trẻ ngày càng quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy vẻ đẹp của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Các bạn tham gia thành lập câu lạc bộ, hội nhóm diễn xướng, say mê luyện tập nhạc cụ truyền thống và tìm cách lan tỏa nét đẹp này bằng nhiều hoạt động sáng tạo, gần gũi.
Khởi đầu của những “gạch nối”
Là thế hệ nối tiếp, người trẻ có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Say sưa luyện tập cùng CLB Nhạc cụ dân tộc thuộc Trường ĐH FPT Quy Nhơn (FIT), Chủ nhiệm CLB Trần Vĩ Bảo Ngân tâm sự, ban đầu, mọi người khá ngần ngại khi phải tập hòa tấu, vốn đòi hỏi sự ăn ý, phối hợp, khác hơn nhiều so với đơn tấu. Nhưng theo thời gian, các thành viên dần cởi mở và tự tin đưa ra những sáng kiến, giúp CLB ngày càng phát triển. Hiện tại, CLB có 35 thành viên, đảm nhiệm chơi các loại nhạc cụ: Đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo, trống…
Ngân chia sẻ: “Khi có môi trường sinh hoạt chung sở thích, ai cũng vui. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi chúng tôi nhiều lần nghe được những ý kiến bên ngoài cho rằng nhạc cụ truyền thống “khó hiểu” với người trẻ”.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình giữ gìn văn hóa truyền thống được thanh niên gọi chung với tên “khoảng cách thế hệ”. Anh Phan Văn Nhật, Bí thư Chi đoàn thôn 9 (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) được mọi người quý mến gọi là “Nhật bả trạo” bởi sự nhiệt tình của anh dành cho bộ môn này. Nhật kể, anh vốn gần gũi với một nghệ nhân ở địa phương nên thường nghe ổng kể, hát lại những điệu vừa hào sảng, lại có nét dân dã, gần gũi. Từ say mê, Nhật tập hợp nhóm thanh niên để phục dựng nét đẹp đã mai một hơn 20 năm.
Tuy vậy, với tuổi đời chưa đầy 30, Nhật nhận ra đây là chặng đường gian nan bởi người trẻ như anh chỉ có thể hình dung đôi chút về bả trạo qua lời ông cha kể lại hoặc qua các video truyền tay. Hơn nữa, dù được hướng dẫn cách hát nhưng quá trình tiếp thu cũng gặp khó khăn bởi nghệ nhân đã quá lớn tuổi, giác quan lẫn giọng hát không còn sáng rõ như thời đỉnh cao.
“Khi mới bắt đầu, tập hát theo lối bả trạo là rất khó. Nhưng để truyền đạt và làm sống dậy môn này, tôi buộc phải hiểu và hát được. Đó là chưa kể, học sinh, sinh viên có nhiều mối quan tâm hơn là hướng về văn hóa truyền thống, nên việc truyền cảm hứng cho các em cũng cần cách làm phù hợp”, anh Nhật cho biết.
Một tiết mục tại đêm chung kết cuộc thi “Âm vang sắc Việt” vào tháng 4.2023. Ảnh: NVCC
Làm hết khả năng
Với mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, các bạn trẻ không ngừng sáng tạo, tổ chức những hoạt động ấn tượng.
Trở về từ Liên hoan Chèo bả trạo do Tỉnh đoàn tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, anh Nhật cùng các thành viên đón nhận tin vui khi Huyện đoàn Phù Mỹ quyết định thành lập CLB bả trạo gồm 2 nghệ nhân và 14 thanh niên (14 - 28 tuổi). Là Phó Chủ nhiệm CLB mới thành lập, đồng thời là Bí thư Chi đoàn, anh Nhật tích cực lồng ghép nội dung về bả trạo trong các cuộc sinh hoạt, thu hút thêm các bạn trẻ tìm hiểu về loại hình này.
Ngoài ra, anh Nhật còn là HLV tại 2 lớp võ cổ truyền ở xã Mỹ Thắng và Trường THPT số 2 Phù Mỹ với hơn 140 võ sinh; tổ chức tặng chữ thư pháp mỗi dịp Tết đến và đang ấp ủ nhiều dự định khác. Anh hào hứng: “Tôi có kế hoạch triển khai hoạt động tập hát bài chòi cho thiếu nhi ở địa phương, sau đó hướng dẫn thêm cách hô, hát những trích đoạn ngắn. Nếu thành công, đây sẽ là “sợi dây” giúp rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ”.
Hơn một năm qua, FIT tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: Triển khai cuộc thi “Âm vang sắc Việt”, thu hút hơn 100 sinh viên trong trường tham gia độc tấu và hòa tấu; biểu diễn các tiết mục ngoài trời kết hợp giữa đệm nhạc cụ truyền thống với múa võ; triển khai dự án “Đưa nhạc cụ về trường cấp 3”, biểu diễn và giao lưu, hướng dẫn học sinh trải nghiệm với nhạc cụ dân tộc… Các bạn luyện tập những bài hát hiện đại song song với các bài truyền thống hoặc phối lại, tạo nên bản mashup mới mẻ, giúp CLB được nhiều học sinh biết đến và ngỏ ý tham gia.
“Cũng là người trẻ nên chúng tôi hiểu sở thích của các bạn cùng thế hệ. Do đó, chúng tôi đã kiên trì với cách làm này. Sắp tới, CLB sẽ khởi động cuộc thi “Âm vang sắc Việt” mùa 2 với quy mô toàn tỉnh để các bạn cùng đam mê được gặp gỡ, giao lưu, góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa nghệ thuật dân tộc”, Ngân cho hay.
DƯƠNG LINH