Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023 đã khai mạc vào tối 8.9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Ðây là sự kiện văn hóa giàu ý nghĩa do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Bình Ðịnh tổ chức, nhằm giới thiệu, quảng bá và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngày hội lần này có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ 11 tỉnh miền Trung, gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tôn vinh giá trị di sản
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa. Cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Champa. Thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú của nhiều tộc người như Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Bana, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Đăng, M’nông, Chăm... gắn liền với quá trình khai thiên lập địa, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cùng với đó, miền Trung đã vinh dự có 5 di sản được công nhận, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Thành Nhà Hồ và 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nhã nhạc Cung đình Huế và Nghệ thuật Bài chòi.
Ngày hội lần này có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ 11 tỉnh miền Trung.
Phát biểu khai mạc tại Ngày hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước nói chung, của các vùng miền trên cả nước nói riêng, những năm qua, Bộ VH-TT&DL đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Tôi tin rằng, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian, đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Ngày hội là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển KT-XH tại các địa phương.
VĐV Vương Thị Kim Oanh (Quảng Nam) đoạt HCV ở môn bắn nỏ (nội dung cá nhân nữ đứng bắn) trong hoạt động thi đấu thể thao tại ngày hội.
Giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống
Điểm nhấn của lễ khai mạc Ngày hội là chương trình nghệ thuật, với chủ đề “Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ”. Chương trình có 3 chương, gồm: Bình Định - huyền thoại ngàn năm; Sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung; Miền Trung hội nhập và phát triển cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Các tiết mục đậm đà bản sắc truyền thống giúp người xem cảm nhận rõ nét đời sống, sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em qua những lát cắt tái hiện bằng âm nhạc, vũ đạo, lời ca, tiếng hát… Cùng với đó là những hình thức nghệ thuật diễn xướng mang tính cộng đồng, kết hợp với chủ đề tri ân người có công với dân, với nước để trở thành một chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn tình cảm đặc biệt. Đặc biệt, các diễn viên trong trang phục truyền thống của dân tộc mình - Tày, Khmer, Bana, Chăm, H’re, Lô Lô, Dao, H’mông, C’ho, Chu Ru, Mường, Thái, Vân Kiều, Cơ Tu... khiến không khí Ngày hội thêm rộn ràng, tươi tắn.
Tiết mục văn nghệ của đoàn Bình Định tại liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc truyền thống.
Thông qua các màn trình diễn nghệ thuật mang tính tổng hợp, chương trình đã giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc miền Trung tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống đoàn kết của cha anh để xây dựng, gìn giữ và bảo vệ vốn di sản thiêng liêng của quê hương miền Trung anh hùng. Đồng thời, tôn vinh các dân tộc trên khắp dải miền Trung - nơi giàu truyền thống văn hóa, có nhiều thành tựu to lớn đóng góp trong công cuộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng, cùng tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập.
Tham dự đêm khai mạc, Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, 84 tuổi, ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), không giấu được xúc động: “Có thể đây là lần cuối tôi tham gia Ngày hội vì cũng đã lớn tuổi quá rồi. Do vậy, tôi muốn động viên tinh thần con cháu, lớp trẻ thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, qua đó cố gắng kế thừa, phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa mà ông cha xưa để lại. Đặc biệt, tôi mong muốn đồng bào Bana Kriêm, nhất là thế hệ trẻ sẽ không ngừng học hỏi, vươn lên, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của mình”.
Dự lễ khai mạc, về phía Trung ương có các đồng chí: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Y Vinh Tơr - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP…
Về phía lãnh đạo tỉnh, có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh.
Bình Định đón tiếp chúng tôi rất thân tình
Tôi tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung từ năm 2004, cảm xúc tham gia ở mỗi lần đều khác nhau. Lần này, Ngày hội tổ chức ở Bình Định khá bài bản, đặc biệt là cách đón tiếp ở đây rất chu đáo, tuyệt vời. Chỉ trong bữa ăn thôi tôi cũng cảm thấy ấm bụng, khi nhận những câu hỏi dễ thương, gần gũi từ nhân viên lễ tân, như: Mọi người ăn có ngon miệng không, rồi động viên chúng tôi cố gắng ăn uống để giữ gìn sức khỏe tham gia Ngày hội trọn vẹn…
Nghệ nhân ưu tú Kray Sức, đoàn Quảng Trị
Chúng tôi muốn giao lưu, học hỏi điều bổ ích tại Ngày hội
Đoàn Ninh Thuận tham gia Ngày hội với tinh thần cầu tiến, học hỏi những cách làm hay trong vấn đề gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ các tỉnh bạn. Chúng tôi hy vọng sẽ học hỏi nhiều điều khi tham gia Ngày hội này và trở về địa phương có thể vận dụng vào công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình...
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Cư, đoàn Ninh Thuận
NGỌC NHUẬN - TRỌNG LỢI - THẢO KHUY