Mộng rơi trong điệu lý
Tản văn của TRẦN BĂNG KHUÊ
Thi thoảng cõi mộng riêng bất giác trỗi dậy, thói tiêu dao tiếu ngạo giang hồ, thấy chân thèm bước đường xa gót mỏi, thấy mắt thèm bắt lấy khoảnh khắc hải âu tung cánh bay xa tít tận bên kia bờ đại dương; thấy đôi tay thèm thả lỏng trong khoảng không gian rộng rãi ngút ngàn cỏ cây xanh rờn, trong muôn vàn sắc màu của hoa lá thơm ngát… Anh tôi, từng viết lời chiêm nghiệm triết lý rằng, “mộng chỉ là chiêm bao”. Mộng của tôi nơi đâu? Một đêm buông màu lắng sâu giọt buồn, tôi ngồi nghe ý tứ từ lời cô ca sĩ cất cao một cung sầu mà nước mắt lưng chừng, “có, có con chim nhạn bay về đâu?…”, rồi buông chùng xuống lòng tôi mớ bùng nhùng mặn môi.
Thời chữ nghĩa chưa đầy cái lá mít, chẳng biết mộng là gì, tôi đã ham hố tham lam đeo bám theo người đàn bà xứ Huế ấy khắp sân bãi lúc điện đóm còn heo hút, tranh tối tranh sáng mà len lỏi ở các đoàn ca hát của mấy gánh cải lương miền Tây bất kể mưa gió bão bùng. Những mùa sân khấu dựng trên xứ sở đất đỏ bụi mịt mù im ắng, khi các đoàn đi lưu diễn nơi khác, vắng ánh đèn, vắng hình bóng của những khuôn mặt chuốc đầy phấn son hóa trang, bà và tôi lại ngồi bó gối bên nhau nghe mọi thứ từ vọng cổ đến các loại tuồng, bài chòi với đủ các tuồng tích quen thuộc như Thoại Khanh - Châu Tuấn hay Lưu Bình - Dương Lễ. Người đó mê đắm đến nỗi không ngớt xuýt xoa, có khi còn ngồi sụt sịt nước mắt theo cuộc đời của nhân vật. Hoặc có vở, đến đoạn ca chuyển điệu cao trào, người đó vừa nghe vừa vỗ tay thưởng thức sung sướng la toáng lên như không hề có ai bên cạnh mình.
Tới đoạn tôi biết thế nào là chớm buồn giăng trên mắt như sương mù xám mùa đông. Tôi lạc trong một giấc mơ có dấu ấn của những cung bậc đờn ca tài tử ảnh hưởng từ người đó. Tôi bị ám ảnh với thể điệu nghe mãi từ lâu lắm mà không biết danh xưng là gì, giờ mới tự lần mò tìm kiếm cho thấy cái tên. Hóa ra, “lưu thủy hành vân”, thứ thể điệu này sao rưng rưng đến thế khi ghép trong lời “vọng kim lang” như một đời người đàn bà góa xứ Huế cho đến khi vô hình như nước chảy mây trôi.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Lại nói về chữ mộng của tôi. Tôi sợ cảm giác khi mộng vỡ. Chỉ vì mộng nhiều mới dùng dằng đớn đau. Mộng càng kéo dài, thì tất yếu nỗi đau càng không thể dứt. Tôi tập dần cách cắt đứt mộng. Nhưng thi thoảng, quá khứ - hiện tại - tương lai thường đồng nhất. Người đàn bà xứ Huế kia giờ có lẽ đã tan thành cát bụi rồi. Nhưng biết đâu, sau cát bụi là linh thức vũ trụ tồn tại như một thực thể mà con người xác thịt không tài nào nhìn thấy được. Tôi chiêm bao thấy bà về trong mộng. Lại nhớ truyện anh tôi viết, “mộng là chiêm bao”, có thể chẳng liên quan gì lắm đến chữ mộng của tôi. Nhưng, tôi ngẫm thấy thể như “mộng ấy có khi là giấc chiêm bao chung của kiếp người”.
Thảng hoặc, ký ức vẫn níu kéo, vẫn cố chấp, nằm mơ. Tôi không định nói về người trăm tuổi có lẻ đó nữa. Vậy mà vô thức vẫn kể đi kể lại. Đôi khi có kẻ lắng nghe. Lắm lúc không. Rồi qua. Rồi lại tung tăng phiêu bạt với cuộc đời được chắp nối bởi những thái cực buồn - vui cũng theo cung thăng cung giáng. Thi thoảng nhớ khoảng trời đã từng bị khuấy đảo thói phiêu bạt cầm tiêu một khúc giang hồ. Lại nhớ Người đã khơi mào những đam mê vô tận với không gian dịch chuyển địa lý và không gian tinh thần trong câu ca vọng cổ. Lại thèm, lại bâng quơ muốn cất cao tiếng hát trong những chất chứa cuồn cuộn nỗi niềm nhưng phải nhả ra chầm chậm, rải từng chữ từng chữ mà e là ngoài hát tuồng ra chẳng nghệ thuật nào kham nổi.
Đôi khi chỉ để được tung mình lên không gian tinh thần, để không gian ấy được thỏa mãn chắp cánh bay, được thỏa mãn thứ cảm giác tự do giữa vũ trụ. Có khi tiếng hát, tôi chắc chắn tiếng hát sẽ mang lại nhiều điều kỳ diệu trong việc sắp xếp lại trật tự tinh thần của tôi (hoặc là ngược lại). Tôi tiếp tục nghĩ về câu chuyện của người đàn bà hơn trăm tuổi an nghỉ trong lòng đất, chắc cũng đã từng tủi buồn một mình chưa qua tuổi năm mươi, phải thầm lặng hát “câu hẹn thề hôm nao, nay phải xa lìa nhau…”.
Mùa hè, biển trời xanh thẳm một màu. Tôi trở về làng quê cát trắng, ngồi ngắm những bông hoa ngũ sắc, nhìn đôi nấm mồ nằm cạnh nhau cách khoảng hơn năm mươi năm mới được châu về hợp phố, mới trọn tình vẹn nghĩa “kim lang”. Tôi biết người đàn bà hơn trăm tuổi đó đã thỏa lòng mãn nguyện, khi tiếng “vọng” bây giờ là sự nối kết linh hồn từ những câu hát, điệu lý tình tang trong âm vang của tiếng sóng quê nhà.