Hạnh phúc từ đam mê “múa cọ”
Nhiều phụ nữ trẻ yêu việc vẽ tranh, chịu khó cập nhật những xu hướng mới, chất liệu mới, đề tài đa dạng để tổ chức những buổi giao lưu, dạy vẽ… thu hút các bạn trẻ và học sinh tham gia.
Vượt rào cản
Con đường đến với đam mê không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Sau khi tốt nghiệp lớp Mỹ thuật niên khóa 2006 - 2009 tại Trường CĐ Sư phạm Bình Định (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), chị Trần Hồng (SN 1988, ở xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) đã gắn bó với nghiệp cầm cọ bằng những công việc khác nhau: Vẽ gốm, vẽ tranh tường, dạy vẽ… cả trong lẫn ngoài tỉnh. Nhưng ít ai biết được, để sống được với đam mê mỹ thuật, cô gái luôn tràn đầy năng lượng ấy đã vượt qua nhiều rào cản. Chị Hồng quyết theo hội họa, bất chấp việc gia đình không ủng hộ. Chị không than thở, chỉ cố gắng từng ngày với hy vọng sẽ có ngày bố mẹ công nhận năng lực và đam mê của mình. Ngay cả những lần tìm nơi dạy ở Quy Nhơn, An Nhơn, vận chuyển đồ đạc, họa cụ, chị cũng tự mình lo liệu.
Chị Nhi (đứng) và học viên cùng nhau hoàn thiện bức tranh đắp cát thạch anh. Ảnh: T.H
Chị còn đối mặt với trở ngại khác là bàn tay phải mắc chứng khó cử động. Thế nhưng, chị vẫn lạc quan: “Mình sống chung với nó, xem nó chỉ là rào cản chứ không phải lý do để mình bỏ cuộc. Chỉ cần tập luyện thường xuyên thì tay sẽ khỏe, mình lại tiếp tục nghiệp vẽ”.
Cũng sẵn sàng đối mặt với thử thách, theo đuổi hội họa, Võ Hà Ái Nhi (SN 1999, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) hiện là kiến trúc sư, làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Với chuyên môn và tình yêu dành cho hội họa, Nhi dạy vẽ từ năm nhất đại học. Đến khi tốt nghiệp và đi làm, Nhi tổ chức workshop vẽ tranh và có 3 năm kinh nghiệm tổ chức sự kiện ở TP Hồ Chí Minh.
Mang mong muốn giúp giới trẻ Bình Định đến gần hơn với hội họa, từ tháng 12.2022, Nhi đều đặn 2 - 3 tuần/lần về Quy Nhơn, An Nhơn tổ chức workshop vẽ tranh. Hiểu rằng bản thân còn trẻ, kinh tế chưa vững chắc nên không thể có địa điểm cố định tổ chức các buổi giao lưu, cô bạn biến khó khăn thành ý tưởng bằng cách liên kết với các quán cà phê để linh động nơi diễn ra sự kiện và tự chuẩn bị khâu tổ chức. Mỗi quán thích hợp với nhóm khách hàng khác nhau. Ví dụ, có những quán không gian rộng, phù hợp để dạy trẻ vẽ mà ba mẹ vẫn có thể thư giãn, theo dõi con từ xa.
Yêu điều mình làm
Để duy trì bền bỉ những hoạt động trên, chị em luôn tin và yêu điều mình làm. Từ năm 2013, chị Hồng mở lớp học Art Class dành cho học viên 4 - 18 tuổi. Hiện tại, chị dạy 5 lớp với hơn 100 học sinh ở huyện Tây Sơn, TX An Nhơn, TP Quy Nhơn. Mỗi tối, chị đều “một mình một ngựa” đến lớp học, gần gũi và dạy trẻ từng chút một. Có hôm, bất chấp thời tiết, chị liên tục di chuyển cả 3 nơi để đảm bảo công việc được suôn sẻ.
Chị Hồng hướng dẫn bé Hân hoàn thiện một bức tranh. Ảnh: T.H
Chị Hồng tâm sự, phụ nữ có lợi thế trong việc gần gũi, dạy dỗ trẻ bởi tính kiên trì, tỉ mỉ. Mỗi trẻ, mỗi độ tuổi có mức độ tiếp thu khác nhau nên cần linh động trong hướng dẫn để trẻ tư duy, sáng tạo. Ngoài dạy học tại lớp, chị còn tổ chức hoạt động ngoại khóa để trẻ vận dụng kiến thức được học hoàn thiện bức tranh theo chủ đề mới trên nền gỗ, nón, gắn hạt…
Em Đặng Nguyễn Ngọc Hân (SN 2011, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) học vẽ được 2 tháng, chia sẻ: “Em thích nhất là vẽ tranh canvas và tham gia các hoạt động ứng với các dịp lễ hội. Đây là dịp em được thỏa sức sáng tạo, thể hiện suy nghĩ của mình qua tranh, làm quà tặng người thân…”
Còn với Nhi, cô bạn rất vui vì được học thêm nhiều điều, làm dày dặn thêm kinh nghiệm sống. Mang tâm thế của người trẻ yêu thích hội họa và tập trung giới thiệu những cái mới, hấp dẫn đến giới trẻ, Nhi chú trọng các chất liệu mới lạ, gần với “gen Z”, như: Acrylic, canvas, tranh đắp cát thạch anh, vẽ trên gương, dùng đất sét tự khô trang trí cho gương…
Ngoài ra, cô bạn còn tích cực kết hợp với các đơn vị để ngày càng nhiều bạn trẻ biết đến và yêu thích hội họa hơn, như phối hợp với Prudential Phù Cát tổ chức vẽ tranh miễn phí cho trẻ em; phối hợp cùng Công ty Happy Art Material (trụ sở TP Hồ Chí Minh; nhà nhập khẩu và phân phối họa cụ lớn nhất Việt Nam) tổ chức workshop…
“Cuối tháng 8 vừa qua, tôi tổ chức workshop ở Tocepo Thị Nại thu hút hơn 70 người tham gia. Mọi người được tặng túi vải in sẵn để tô màu trực tiếp, khám phá nhiều loại họa cụ vào buổi sáng và vẽ túi cho riêng mình vào buổi chiều. Con số này gấp hơn 2 lần những buổi workshop trước đó, khiến tôi rất hạnh phúc vì đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ ngày càng nhiều người quan tâm đến hội họa”, Nhi tâm sự.
THÚY HẰNG