Bộ Ðại tạng kinh Gia Hưng đang lưu giữ tại chùa Thập Tháp: Một tư liệu quý về văn hóa Phật giáo
Tháng 5.2021, nhóm nghiên cứu do Ðại đức Thích Không Nhiên chủ trì hành hương về chùa Thập Tháp ở phường Nhơn Thành (TX An Nhơn) nghiên cứu, giới thiệu bộ Gia Hưng tạng (Ðại tạng kinh Gia Hưng) trên Tạp chí Liễu Quán. Từ thông tin này, cuối tháng 8.2023, một nhóm chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế về Phật giáo đã về đây nghiên cứu và những thông tin sơ bộ thu hút sự chú ý của nhiều học giả.
Chùa Thập Tháp được xây dựng vào thế kỷ XVII, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử -văn hóa quốc gia vào ngày 9.1.1990. Chùa đang lưu giữ bộ Đại tạng kinh Gia Hưng đặc biệt quý hiếm gồm 1.377 cuốn, chuyển tải nội dung của 479 bộ kinh Phật giáo - là phiên bản gần như nguyên vẹn và duy nhất của Đại tạng kinh chữ Hán ở Việt Nam hiện nay. Thầy Thích Viên Quả - người đang giữ việc quản lý tại chùa Thập Tháp, chia sẻ: Cùng với bản in bộ kinh Gia Hưng tạng, chùa còn đang lưu giữ hàng trăm mộc bản tinh xảo bộ kinh này bằng gỗ mít.
1.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu gồm: TS Nguyễn Tô Lan, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm và ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng TS Lý Quý Dân (Giáo sư ĐH Thành Công và Giảng sư ĐH Phật Quang, Đài Loan, thuộc Trung Quốc).
Theo TS Nguyễn Tô Lan, bộ Đại tạng kinh Gia Hưng hiện lưu giữ tại chùa Thập Tháp vốn do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (danh thần đời chúa Nguyễn) cung tiến cho chùa cách đây gần 300 năm (khoảng năm 1735 - 1780). Bộ kinh được các thế hệ chư tăng ở chùa Thập Tháp giữ gìn cẩn mật, chăm chút, bảo trì khá tốt. Theo TS Nguyễn Tô Lan, việc khắc in bộ kinh Gia Hưng tạng khởi xướng ở Trung Quốc vào đời nhà Minh, thực hiện trong 89 năm, bắt đầu từ năm 1588 và hoàn thành vào năm 1677. Phần chính của các bộ Gia Hưng tạng là giống nhau. Sau khi việc khắc Gia Hưng tạng được đóng lại, chùa Lăng Nghiêm (Trung Quốc) vẫn tiếp tục nhận những văn bản khác để đưa vào bộ kinh này, gọi là nhập tạng. Càng về sau phần đưa thêm vào càng nhiều hơn, do đó ở những thời điểm khác nhau sẽ có những bản kinh khác nhau. Gia Hưng tạng là tên thông dụng, bộ kinh này còn có nhiều tên gọi khác, như: Khi in ở Ngũ Đài Sơn thì gọi là Ngũ Đài Sơn tạng, khi in ở Kính Sơn gọi là Kính Sơn tạng…
TS Nguyễn Tô Lan (bên trái) đến chùa Thập Tháp nghiên cứu, tìm hiểu bộ Gia Hưng tạng.
Theo các chuyên gia, Đại tạng kinh là tập hợp các kinh điển của Phật giáo được chia ra làm 3 bộ phận: Kinh, Luận, Luật. Phần Kinh là những bản ghi chép lại lời giảng của đức Phật. Luận là phần diễn giải lời Phật dạy của các đệ tử. Phần Luật là những quy định mà người tu hành phải tuân thủ. Đại tạng kinh ghi chép hầu hết những gì liên quan đến Phật giáo, kể cả những lời tụng niệm hằng ngày của dân chúng. Đại tạng kinh có nhiều phiên bản khác nhau, trong đó Gia Hưng tạng tại chùa Thập Tháp là bộ rất quan trọng.
TS Lý Quý Dân cho hay: So với các phiên bản còn lưu giữ tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, bộ Gia Hưng tạng đang lưu giữ ở chùa Thập Tháp nguyên vẹn hơn. Giá trị của bộ Gia Hưng tạng không phải ở phần Kinh - như đã nói ở trên vốn cơ bản giống nhau ở các phiên bản, mà nằm ở phần ngữ lục.
2.
Trong lịch sử đặc biệt ở giai đoạn từ thời Tiền Lê đến thời Lý, Trần, có rất nhiều bộ Đại tạng kinh truyền nhập vào Đại Việt. Đáng kể nhất là bộ Đại tạng kinh do vua Trần Nhân Tông thỉnh về năm 1296 và cho khắc in đến năm 1321 mới hoàn thành. Tuy nhiên, tất cả những bộ Đại tạng kinh này ở Việt Nam đều đã thất tán. Vì thế, bộ Gia Hưng tạng đang lưu giữ ở chùa Thập Tháp là tư liệu rất quý giá, có thể nói đây là một di sản quý giá mang tầm quốc gia và cả quốc tế.
PGS.TS Trần Trọng Dương cho biết: Bộ Gia Hưng tạng mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, văn hiến, kinh điển Phật giáo và văn hóa Phật giáo, ảnh hưởng lớn đến đời sống, tín ngưỡng, văn hóa, tôn giáo, lịch sử của Việt Nam ít nhất là từ thế kỷ XVIII. Những gì chúng ta thấy về Phật giáo ở Việt Nam, ở miền Trung, ở Bình Định cho đến thời điểm hiện nay có khả năng cao đã chịu ảnh hưởng từ bộ kinh này mà ra. Chư tổ chùa Thập Tháp ngày xưa từng vào cung đình Huế để giảng và truyền bá Phật giáo; để rồi văn hóa Phật giáo lan tỏa từ đời sống cung đình ra đến rộng rãi trong đời sống dân gian. Kinh sách mà họ dùng là lấy từ bộ Gia Hưng tạng này!
Một cuốn kinh trong bộ Gia Hưng tạng
3.
Nhóm nghiên cứu gồm TS Nguyễn Tô Lan, TS Lý Quý Dân và PGS.TS Trần Trọng Dương cho rằng bộ Gia Hưng tạng tại chùa Thập Tháp cần được số hóa. Việc nghiên cứu, sử dụng về sau nên dùng bản số hóa, còn bản gốc lưu giữ để bảo tồn. “Bộ Gia Hưng tạng này được xem như pháp bảo của Phật giáo Bình Định, Phật giáo Việt Nam và pháp bảo của Phật giáo trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và có những đề xuất để tỉnh Bình Định có giải pháp bảo tồn, và phát huy những thư tịch cổ quý hiếm này”, TS Nguyễn Tô Lan cho biết.
Theo TS Nguyễn Tô Lan, trước mắt, cần bảo tồn bộ Gia Hưng tạng ở hai phương diện. Một là, bảo tồn nguyên trạng di sản, vì bộ kinh này đang cất giữ trong chùa, mang đời sống tâm linh. Hai là, cần phải thực hiện công tác số hóa để bảo tồn dạng số, nhưng phải nhân bản để quảng bá theo tinh thần “pháp bảo lưu thông”. Sau khi số hóa xong, có thể in bộ Gia Hưng tạng ra nhiều bản giấy trưng bày tại chùa Thập Tháp và xem như đây là chốn hành hương để bà con phật tử, chư tăng trên toàn quốc, quốc tế đến đây chiêm bái. Đây là cách để Bình Định lan tỏa di sản văn hóa Phật giáo đến với xã hội ngày nay…
“Ở ĐH Phật Quang (Đài Loan) có bộ pháp bảo là những sách cổ giống bộ Gia Hưng tạng được trưng bày để các phật tử đến chiêm bái. Mỗi năm có hơn 1 triệu lượt phật tử đến đây chỉ để chiêm bái bộ kinh; tỉnh Bình Định nên công khai để các học giả trên thế giới biết và đến nghiên cứu đến bộ kinh quý giá này”.
TS Lý Quý Dân - Giáo sư ĐH Thành Công, Giảng sư ĐH Phật Quang, Đài Loan (Trung Quốc)
AN NHIÊN - ĐOAN NGỌC