Hội nghị thượng đỉnh G20: Vấn đề Ukraine sẽ vẫn còn bỏ ngỏ
Sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong vấn đề Nga - Ukraine có nguy cơ phá hỏng tiến triển của những vấn đề khác, như an ninh lương thực, nợ và hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này tại New Delhi (Ấn Ðộ).
Trước đó, tại các cuộc họp cấp bộ trưởng trong năm, Ấn Độ giữ vai trò chủ tịch luân phiên, các bên đã không nhất trí được ngay cả thông cáo chung về cuộc chiến này do bất đồng quan điểm. Tại cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 9 - 10.9, điều tương tự nhiều khả năng sẽ lặp lại khi mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự, chứ không phải Chủ tịch Tập Cận Bình, còn Nga xác nhận Tổng thống Vladimir Putin cũng vắng mặt và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ đại diện. Trong khi đa số lãnh đạo phương Tây và đồng minh đều tham dự, như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Hy vọng ở “phút 89”
Theo Giám đốc Viện Nam Á thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington (Mỹ), Michael Kugelman, việc các bên không đạt được nhất trí về vấn đề Nga - Ukraine sẽ tổn hại đến uy tín ngoại giao của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang nỗ lực thúc đẩy vị trí của New Delhi trên cương vị chủ tịch luân phiên.
Mặc dù không lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine, nhưng Ấn Độ hoặc sẽ phải thuyết phục các nước thành viên nhất trí với một bản tuyên bố chung, hoặc sẽ trở thành nước đầu tiên, kể từ năm 2008, kết thúc cương vị chủ tịch luân phiên G20 mà không ra được thông cáo chung.
Một quan chức giấu tên cho hay, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) hồi năm ngoái, các bên chỉ đạt được sự nhất trí về một tuyên bố chung vào phút cuối cùng, trong đó nêu rõ “hầu hết các thành viên kịch liệt lên án cuộc chiến tại Ukraine và nhấn mạnh điều này đang gây ra sự đau khổ lớn cho con người và làm trầm trọng thêm sự mong manh sẵn có của nền kinh tế toàn cầu”. Ấn Độ cũng đang hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ có thể đạt được thỏa thuận vào phút cuối cùng.
Năm nay, ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Canada Justin Tradeau và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng về vấn đề Nga - Ukraine. Trong khi Thủ tướng Canada bày tỏ thất vọng vì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không được mời tham dự, thì ông Lavrov cho biết Moscow sẽ không ký vào bản tuyên bố chung nếu nó không đề cập đến lập trường của nước này về Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác. Các nhà ngoại giao cho rằng, lập trường của Nga nhiều khả năng sẽ không được chấp nhận.
Ảnh: ANI
Trung Quốc muốn thúc đẩy vị thế của BRICS?
Tháng trước, nhóm BRICS, nơi Trung Quốc đang là một thế lực, tuyên bố sẽ kết nạp thêm 6 thành viên từ tháng 1.2024, nhằm đẩy mạnh tham vọng cải tổ trật tự thế giới. Giám đốc Công ty tư vấn và nghiên cứu về rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group David Boling cho rằng, sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể được xem như là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “đóng đinh vào cỗ quan tài G20”, chỉ vài tuần sau quyết định mở rộng BRICS. 5 thành viên hiện tại của BRICS, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, từng bày tỏ quan điểm cho rằng, quy mô của nhóm, cả về kinh tế và dân số, đều không thể đại diện cho các thể chế toàn cầu, nhất là đối với Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). BRICS chỉ chiếm khoảng 42% dân số thế giới và hơn 23% GDP toàn cầu. Sau khi mở rộng, nhóm này sẽ chiếm 46,5% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu (theo ước tính dữ liệu GDP của IMF).
Trước đó, Ấn Độ, một nước thành viên của BRICS, từng bày tỏ một số lo ngại về việc mở rộng nhóm này. Với cương vị chủ tịch luân phiên của G20, New Delhi đang thúc đẩy giải pháp cho các vấn đề biến đổi khí hậu, giải quyết nợ cho nước dễ bị tổn thương, quy định liên quan đến tiền mã hóa và cải cách cho các ngân hàng phát triển đa phương. Nước này cũng nỗ lực phá vỡ sự bế tắc trong thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, nhưng Nga nhiều khả năng không thay đổi lập trường phản đối kế hoạch này.
LÊ QUẢNG (Theo Reuters)