Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn tháng 7; đạt mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngày 9.9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8.2023. Dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và tám tháng của năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia; tình hình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ sẽ xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm (2021-2025); tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024; đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và một số vấn đề quan trọng khác.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chúng ta đã đi qua 2/3 thời gian của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Nhiều nước, đối tác lớn, đặc biệt là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng lạm phát cao; tăng trưởng dự báo cao hơn nhưng không đều, còn bấp bênh; rủi ro tài chính, tiền tệ, nợ công gia tăng; kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm và có khả năng rơi vào giảm phát; an ninh năng lượng, an ninh lương thực đứng trước thách thức; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; vừa triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, trong đó đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an ninh chính trị được giữ vững; đối ngoại được tăng cường, vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng lên.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn như: Áp lực lạm phát; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; các dự án thua lỗ, tồn đọng kéo dài, các ngân hàng yếu kém chưa được xử lý dứt điểm; những khó khăn về chính sách tài khóa, tiền tệ chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai; tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp…
“Tuy nhiên nhìn tổng thể thì kết quả của tháng sau tốt hơn tháng trước; kết quả của quý sau tốt hơn quý trước”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới; giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới; hoàn thiện các tờ trình, báo cáo và công tác chuẩn bị phục vụ họp Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
(Theo Phạm Tiếp/TTXVN/Vietnam+)