263 trẻ em đóng vai đại biểu Quốc hội trong Phiên họp giả định
Các đại biểu trẻ em đóng vai đại biểu Quốc hội để thảo luận về hai vấn đề: bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ nhất năm 2023. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Sáng 10.9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp toàn thể giả định “Quốc hội Trẻ em” lần thứ nhất.
Sự kiện do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.
Cùng tham dự Phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Phó Chủ tịch nước: Trương Thị Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phiên họp có sự tham dự của 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây là lần đầu tiên, phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em được tổ chức nhằm góp phần triển khai hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt, là các quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 77 “tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân”; khoản 4, Điều 79 “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em”.
Phiên họp có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, kiến nghị các cấp, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước.
Tại phiên họp toàn thể giả định “Quốc hội Trẻ em”, các đại biểu trẻ em đóng vai đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để tập trung thảo luận về hai vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm: bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các nội dung quan trọng này đã được triển khai lấy ý kiến của cử tri trẻ em cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như Diễn đàn Trẻ em, kỳ họp Hội đồng Trẻ em các cấp, khảo sát bằng phiếu hỏi trực tuyến, trực tiếp...
Đại biểu Hoàng Trà My của tỉnh Nghệ An phát biểu. (Ảnh: Minh Đức - TTXVN)
Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng Ban Tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất năm 2023 cho biết với mô hình phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em," Ban Tổ chức mong muốn giúp các em được tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi một cách có hệ thống những kiến thức về hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, đặc biệt là những hoạt động quan trọng như lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đồng thời, các em được ứng dụng các kiến thức, kỹ năng đó vào việc phân tích những vấn đề hiện tại của trẻ em, xây dựng những giải pháp cho chính mình với cách nhìn toàn diện hơn từ việc học hỏi những kỹ năng của các đại biểu quốc hội và thể hiện ngay tại hội trường Quốc hội.
Bên cạnh đó, việc các em được đóng vai là lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Quốc hội, được phát biểu ý kiến, biểu quyết thông qua các nội dung của phiên họp tại Hội trường Diên Hồng sẽ góp phần nuôi dưỡng trong mỗi em ước mơ, niềm đam mê với nghề nghiệp, hoài bão to lớn trong việc góp phần xây dựng đất nước, ý chí phấn đấu trong học tập, rèn luyện để trở thành người đại biểu của nhân dân hoặc một lãnh đạo cơ quan Nhà nước trong tương lai, là công dân tốt, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Bà Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết việc lựa chọn chủ đề phiên họp được tiến hành dựa trên cơ sở thực hiện vai trò đại diện tiếng nói trẻ em của tổ chức Đoàn, Đội các cấp và sự quan tâm của xã hội và chính trẻ em trong thời gian qua.
Các nội dung của phiên họp là kết quả làm việc của chính các đại biểu trẻ em được lựa chọn tham gia phiên họp, cũng như thể hiện ý kiến, nguyện vọng của hơn 41.000 trẻ em đại diện cho 25 triệu trẻ em cả nước.
Có thể khẳng định dù là các ý kiến thảo luận tại phiên họp “Quốc hội Trẻ em” giả định nhưng lại là những ý kiến thực chất, phản ánh sinh động những suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em, đảm bảo được các quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em theo luật định, bà Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Qua tổng hợp, có nhiều ý kiến chất lượng, thể hiện được bản lĩnh, chính kiến, chín chắn trong suy nghĩ và lời nói, tư duy của những đại biểu Quốc hội trong tương lai, vừa thể hiện được sự trong sáng, khát vọng của lứa tuổi thiếu nhi; đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, hiến kế cho các bộ, ngành, tổ chức. Bước đầu, các chuyên gia, ban cố vấn đánh giá nhiều ý tưởng, sáng kiến có tính khả thi.
Từ các ý kiến phát biểu, báo cáo, đề xuất và thông qua Nghị quyết giả định của các em, Ban Tổ chức phiên họp mong rằng đây sẽ là cơ sở, là căn cứ để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, địa phương quan tâm, đầu tư ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hóa những vấn đề luật định có liên quan đến trẻ em, cũng như thực thi các chính sách về trẻ em một cách hiệu quả hơn, sát với thực tiễn hơn.
Theo chương trình, sau khi kết thúc Phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu chỉ đạo; lãnh đạo các ban, bộ ngành phát biểu ghi nhận, động viên và trao đổi thông tin với các đại biểu trẻ em.
Theo M.H (TTXVN/Vietnam+)