Ðầm Thị Nại vào mùa cào don dắc, bắt vẹm
Tầm từ cuối tháng 7 âm lịch hằng năm, người dân ở các xã ven đầm Thị Nại (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng thuộc huyện Tuy Phước), theo con nước triều xuống sẽ đưa ghe máy hoặc chống sõng tôn ra đầm cào don dắc và bắt vẹm, thu nhập mỗi ngày từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.
Anh Nguyễn Minh Hoàn, ở thôn Vinh Quang 2 (Phước Sơn), chia sẻ: Tôi làm nghề cào don dắc đã 7 năm, lúc đầu nghề này chỉ phát triển ở thôn Tân Giản (xã Phước Hòa), giờ thì chỗ nào cũng có người làm. Trước đây, 2 người chống sõng tôn thay nhau cào năng suất không cao nên tôi đầu tư 10 triệu đồng mua 1 ghe máy để hành nghề, kết quả khá hơn hẳn.
Don dắc sau khi rửa sạch được bưng lên bờ đổ vào bao. Ảnh: X.T
Nghề cào don dắc cũng cực lắm, phải có sức khỏe mới làm được và đi theo con nước thủy triều, nếu triều rút lúc nửa đêm thì đi lúc 4 giờ sáng, cào đến giữa trưa thì về. Nếu con nước ròng vào chiều tối thì đi cào đến sáng hôm sau. Theo dòng nước, mình đứng sau đuôi ghe hoặc đuôi sõng cầm chiếc cào làm bằng tre, dài hơn 3 m, miệng cào làm bằng sắt gắn khung thép được đưa xuống nước và tùy theo độ nông sâu mà điều khiển cây cào cho phù hợp, vừa cho ghe - sõng tiến về phía trước vừa cào liên tục, đến khi thấy nằng nặng là kéo lên đổ vào khoang. Thường thì hai vợ chồng tôi cào một chuyến cũng được 500 kg, có khi trúng đến cả tấn. Thương lái đến tận nhà mua với giá 50.000 đồng/bao 40 kg.
Vẹm còn lẫn bùn cát được đại lý mua với giá 1.000 đồng/kg. Ảnh: X.T
Những người không cào được don dắc thì hành nghề bắt vẹm. Theo anh Lê Xuân Hà, ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, vẹm thường sống ở bãi bồi có bùn đất và ven chân cầu, bãi đá, các cọc gỗ. Ở đầm Thị Nại chỉ có vẹm đen không có vẹm xanh. Vẹm đen ít thịt nên chủ yếu bắt lên bán cho những người nuôi tôm hùm hoặc nuôi cua biển. Hiện tại, vẹm đen được bán với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, đã làm sạch bùn đất. Người hành nghề này phải mang theo rổ nhựa, xẻng xúc, phát hiện bãi bồi có vẹm là ngâm mình xuống nước xúc vẹm còn nguyên bùn đất cho vào rổ nhựa rồi đổ vào ghe, đầy ghe thì chở vào bến, dùng máy bơm rửa sạch bùn lấy vẹm. Cũng có một số người mua máy bơm thổi bùn đất bắt vẹm thành phẩm ngay tại bãi bồi chở vào bến bán cho đại lý.
Ông Huỳnh Ngọc Biên, Trưởng thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, cho hay: Mùa cào don dắc và bắt vẹm thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, nhưng cao điểm khai thác vào mùa hè. Hiện, riêng thôn Vinh Quang 2 đã có gần 200 hộ hành nghề và 5 đại lý mua don dắc và vẹm.
XUÂN THỨC