IUC và hành trình kiến tạo sinh kế bền vững
Chương trình hợp tác thể chế đại học với Trường ÐH Quy Nhơn (2022 - 2032) đã bắt đầu giai đoạn 1 (2022 - 2027) với mục tiêu kép nâng cao năng lực cho Trường ÐH Quy Nhơn nhằm phục vụ cải thiện sinh kế và điều kiện sống cộng đồng dân cư vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững. Ðây được coi là cơ hội lớn không chỉ cho nhà trường mà còn với các tỉnh trong khu vực.
Chương trình hợp tác thể chế đại học với Trường ĐH Quy Nhơn (IUC-QNU) được tổ chức VLIR-UOS (Vương quốc Bỉ) - một tổ chức thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng của vùng Flanders và các nước đang phát triển - viện trợ 600 nghìn euro/năm.
Trường đại học tham gia cải thiện sinh kế cộng đồng
Trên cơ sở hiệu quả các dự án, chương trình hợp tác trước đó (SIs, TEAM, MOMA...), Trường ĐH Quy Nhơn là đối tác duy nhất ở châu Á được phía Bỉ lựa chọn để triển khai IUC, với 7 dự án. Điểm khác biệt với các dự án, chương trình hợp tác trước đây là IUC không chỉ tập trung vào đào tạo mà còn là nghiên cứu và tổ chức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra tại các địa phương.
Chương trình IUC-QNU đã được khởi động giai đoạn 1 (2022 - 2027). Ảnh: M.H
Trong đó, 2 dự án nâng cao năng lực Trường ĐH Quy Nhơn nhằm cung cấp dịch vụ điện tử cho sinh viên, e-learning và thư viện; xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững. 5 dự án gắn liền nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong đào tạo và phục vụ cộng đồng của trường,gồm: Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm nhằm nâng cao khả năng thích ứng của chính quyền địa phương và cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Ứng dụng vật liệu nano và giải pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu suất của hệ thống sấy khô dùng năng lượng mặt trời và hệ thống sản xuất khí sinh học; Nâng cao chất lượng và an toàn của bơ và sầu riêng bằng các giải pháp canh tác hiệu quả, bền vững; Nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch bằng cách sử dụng các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học để nâng cao giá trị trái cây địa phương; Thiết lập các mô hình đánh giá và quản lý rủi ro cho chuỗi cung ứng trái thanh long ở Bình Thuận và trái táo ở Ninh Thuận.
Với IUC-QNU, tỉnh Bình Định sẽ hưởng lợi trực tiếp từ 2 dự án xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm và ứng dụng vật liệu nano, giải pháp kỹ thuật mới nâng cao hiệu suất của hệ thống sấy khô dùng năng lượng mặt trời và hệ thống sản xuất khí sinh học.
Ngay sau sự kiện khởi động Chương trình IUC-QNU, GS Patrick Willems đến từ Phòng thí nghiệm Thủy lực và Địa kỹ thuật (Khoa Kỹ thuật xây dựng, ĐH KU Leuven) cùng các thành viên dự án 1 đã làm việc với Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống và ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khảo sát trực tiếp tại đập dâng Vân Phong và đập Phú Phong (sông Côn) nhằm tìm hiểu về cơ chế điều tiết nước trên hệ thống đập, cũng như thực trạng các thiết bị IoT hiện có đã lắp đặt tại khu vực này.
GS Patrick Williems (giữa), Chủ nhiệm dự án 1 phía Bỉ và thành viên dự án 1 khảo sát vết lũ tại xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước. Ảnh: ĐH Quy Nhơn
Trước đó, dự án ứng dụng vật liệu nano và các giải pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống phơi sấy nông sản và khắc phục những hạn chế của vấn đề biogas cũng khảo sát thực tế tại 6 HTXNN và hộ gia đình của 2 huyện Tuy Phước, Tây Sơn.
PGS.TS Vũ Thị Ngân, Chủ nhiệm Chương trình IUC phía Trường ĐH Quy Nhơn, cho hay: Chúng tôi tiếp cận vấn đề sinh kế người dân một cách tổng thể và từ gốc rễ thông qua các vấn đề nổi cộm của vùng. Qua đó, phối hợp với các địa phương triển khai những nghiên cứu, ứng dụng KHKT nhằm giúp nâng cao sinh kế bền vững, cải thiện môi trường sống, chất lượng sống người dân.
Cơ hội lớn
TS Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc điều hành Chương trình IUC địa phương, khẳng định đây là một chương trình phù hợp để Trường ĐH Quy Nhơn nâng cao năng lực nhà trường, đồng thời thể hiện được vai trò của một trường đại học phục vụ cộng đồng, bên cạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vì thế, Chương trình IUC-QNU có mục tiêu kép là nâng cao sinh kế cho người dân vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, đồng thời nâng cao năng lực của giảng viên nhà trường để phục vụ cộng đồng thông qua hợp tác với các đại học, cao đẳng vùng Flanders của Vương quốc Bỉ.
“Việc Trường ĐH Quy Nhơn là cơ sở giáo dục đại học duy nhất ở châu Á được lựa chọn tham gia Chương trình IUC đã thể hiện trách nhiệm phục vụ cộng đồng và phù hợp chiến lược quốc gia về tự chủ đại học, quốc tế hóa đại học, nâng cao chất lượng đại học, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế...”
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc
Trong khi đó, ông Piet Wostyn, Giám đốc điều hành Chương trình phía Bỉ, Đại học KU Leuven, cho rằng cách tiếp cận này giúp tối đa hóa nguồn lực của các trường đại học và cho phép trường đại học đối tác ứng phó với những thách thức cụ thể của địa phương. Bằng cách này, một chương trình IUC với thời gian hơn 10 năm sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nhiều địa phương ở Việt Nam, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Quy Nhơn) tâm đắc với Chương trình IUC bởi đây là cơ hội lớn trong phát triển và hội nhập của Trường ĐH Quy Nhơn nhằm phát huy thực sự vai trò tiên phong trong công cuộc phát triển bền vững của khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Trường kết hợp hài hòa giữa đầu tư phát triển nguồn lực bên trong với tận dụng tối đa nguồn lực cơ hội từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
MAI HOÀNG