Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng
Sáng 11.9, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì tại đầu cầu của Bộ và gần 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính. Ngoài ra, diễn đàn còn kết nối hơn 1.000 điểm cầu trực tuyến là các sở, ban, ngành thuộc các tỉnh có vùng trồng sầu riêng, chủ nhà vườn, hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng, tổ chức, nhà nhập khẩu tham gia phát triển chuỗi ngành hàng sầu riêng Việt Nam...
Quang cảnh Diễn đàn tại điểm cầu chính ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với gần 300 đại biểu tham dự. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Hiện cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng, tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Riêng Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000 ha; trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2023 ước tính khoảng 200.000 tấn.
Khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết đã tạo cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng. Dự kiến, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tròn 1 năm sau ngày lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, “sầu riêng” đã thực sự trở thành “niềm vui chung” khi 7 tháng năm 2023, “vua các loại trái cây” mang về cho đất nước hơn 1 tỷ USD.
"Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, ngành hàng sầu riêng đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảnh báo một năm trước. Đó là khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng... Thực tế, thời gian qua, cùng với việc tăng giá quá nóng, mất kiểm soát là hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu" - ông Thạch dẫn chứng.
Mục tiêu của diễn đàn là các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, nhà vườn, hợp tác xã, thương lái cùng ngồi với nhau, thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại của ngành hàng sầu riêng. Từ đó, các bên cùng hành động, ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc hành vi sản xuất, liên kết, thương mại, xuất khẩu không trong sáng để bảo vệ thương hiệu và ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Diễn đàn cũng tập trung thảo luận những vấn đề như thực trạng mua bán, xuất khẩu sầu riêng, kinh nghiệm liên kết của một số địa phương và doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk; đề xuất và giải đáp ý kiến, kiến nghị; phổ biến, khuyến cáo thực hiện quy định pháp luật về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng, điều quan trọng nhất là phải sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, đan xen với những khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những mặt trái, hạn chế dựa trên tầm nhìn chiến lược và đề ra những giải pháp đồng bộ phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả, bền vững.
Sự đồng thuận, thống nhất cao giữa nhận thức và hành động, giữa các chủ thể trong chuỗi ngành hàng, đặc biệt là quan hệ hữu cơ giữa nông dân - hợp tác xã, doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi, quyết định thành công. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần đi cùng nhau trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, cần phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất (nông dân) và tiêu thụ (doanh nghiệp). Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân, đến tận vùng trồng ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin.
Việt Nam cần kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia; chuyển từ quan hệ mua - bán sang quan hệ hợp tác bình thường, không chờ tới mùa vụ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất với nhau; phải nhận thức rõ phát triển bền vững không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững...
(Theo Hoài Thu (TTXVN)