Kiểm soát dịch bệnh, duy trì đàn vật nuôi ổn định
Theo đánh giá từ ngành nông nghiệp, 8 tháng đầu năm 2023, tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh khả quan, tái đàn ổn định nhằm phục vụ cho thị trường dịp tết Nguyên đán.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), tính đến hết tháng 8.2023, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tăng khá so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, đàn bò hơn 307 nghìn con, tăng 3,7%; đàn heo hơn 682 nghìn con (tăng 2,3%); đàn gia cầm 9,7 triệu con (tăng 10,8%). Theo đánh giá của Chi cục, có được điều này là nhờ tỉnh kiểm soát được dịch bệnh, công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, tình hình tiêu thụ sản phẩm khá hơn trước, giá bán sản phẩm tăng và duy trì ổn định, khiến người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn.
Rút kinh nghiệm những năm trước, ngành chăn nuôi và thú y triển khai tiêm phòng và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khử khuẩn, tiêu độc và sát trùng; thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo duy trì hiệu lực và dễ khống chế khi có dịch bệnh. Nhờ đó, các bệnh dịch nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, viêm tai xanh, cúm gia cầm đã được kiểm soát tốt. Toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng cúm gia cầm, dịch bệnh viêm da nổi cục và nhiều bệnh khác đạt yêu cầu để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, các địa phương tích cực phòng, chống các yếu tố tác hại của thời tiết lên đàn vật nuôi.
Hoạt động tái đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, người chăn nuôi chuẩn bị nguồn cung phục vụ cho thị trường dịp tết Nguyên đán. Ảnh: THU DỊU
Riêng với bệnh tụ huyết trùng, toàn tỉnh ghi nhận một vài trường hợp xuất hiện lẻ tẻ trong các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên ngành chức năng đã khoanh vùng, không để phát triển thành dịch, đồng thời khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin tụ huyết trùng để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm soát tốt hoạt động giết mổ động vật tập trung đúng quy định; tích cực hướng dẫn các địa phương, người chăn nuôi đẩy mạnh chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nhằm kéo giảm nguy cơ dịch bệnh phát sinh, hạn chế thiệt hại.
Ngoài ra, thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Chi cục còn tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai chính sách phát triển chăn nuôi gà thả đồi. Đến nay, đã có 2 huyện Tây Sơn và Hoài Ân triển khai thực hiện. Đồng thời, các địa phương đang rà soát các hộ chăn nuôi đủ điều kiện tham gia thực hiện chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung vào 3 nhóm vật nuôi chủ lực heo, bò, gà.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho hay, với tình hình này, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang dịch chuyển theo hướng tích cực. Từ nay cho tới cuối năm, nhu cầu nguồn cung sản phẩm chăn nuôi rất lớn, do vậy việc kiểm soát dịch và tái đàn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hơn nữa việc kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi an toàn còn giúp gia tăng uy tín của sản phẩm, đàn vật nuôi của tỉnh Bình Định, qua đó sẽ được giá hơn. Chính vì thế, Chi cục đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương xây dựng các kế hoạch chăn nuôi theo hướng tập trung, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; giảm chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư, tích cực chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn sinh học. Chi cục cử cán bộ thú y đứng chân địa bàn phối hợp lực lượng thú y cơ sở giám sát tình hình dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh.
THU DỊU