Thắm tình đoàn kết, đượm nghĩa đồng bào
Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023 đã khép lại sau 3 ngày (8 - 10.9) diễn ra sôi nổi. Ðây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, VÐV 11 tỉnh miền Trung giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, thắm đượm nghĩa đồng bào.
Thắm tình đoàn kết
Trong 5 nội dung thi văn hóa, công chúng và du khách đặc biệt quan tâm đến phần liên hoan văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống của các đoàn. Trong không gian được bố trí tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, 44 tiết mục nghệ thuật đặc sắc từ hát, múa, hòa tấu nhạc cụ, đến các giai điệu dân ca, điệu múa nhịp nhàng, hòa quyện với âm hưởng của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng cồng và các loại nhạc cụ khác thật sự làm lay động người xem.
Trích đoạn tái hiện Lễ mừng cốm lúa mới của dân tộc Bana K’riêm ở Bình Định đạt giải A.
Các tiết mục đều mang nét đặc trưng văn hóa các dân tộc miền Trung, chứa đựng tình yêu cuộc sống, lao động, yêu thiên nhiên đất nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng gia đình, tình làng, nghĩa xóm, niềm tin vào cuộc sống sẽ ngày càng trở lên ấm no, hạnh phúc.
Với nhiều sắc màu rực rỡ, kiểu dáng đa dạng, phần trình diễn trang phục truyền thống cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Rất nhiều người đã vỗ tay tán thưởng khi chứng kiến cuộc trình diễn trang phục đặc sắc như thế. Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL), đánh giá: Vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc đã hội tụ, tỏa sáng trong Ngày hội. Những cuộc trình diễn tươi vui, phong phú như thế những ngày qua chứng tỏ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vào đời sống hiện đại đã đạt hiệu quả tích cực.
Phần thi văn hóa tôn lên vẻ đẹp của giá trị di sản văn hóa của các dân tộc.
Ở phần thi thể thao, hơn 200 VĐV đến từ 10 tỉnh miền Trung tham gia, tranh tài ở 4 môn, gồm: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ và bắn ná cũng diễn ra sôi nổi, hấp dẫn. Khác với những giải đấu thông thường, với tinh thần giao lưu, đoàn kết, những cuộc thi trong khuôn khổ Ngày hội hấp dẫn chủ yếu nhờ tính chất trình diễn, sáng tạo và chia sẻ hơn là thắng thua, cao thấp... Hơn nữa hình ảnh phổ biến ở nhiều nội dung thi là cảnh các VĐV vui vẻ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nhau. Sự chu đáo của chủ nhà chừng mực nào đó đã góp phần giúp tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc thêm thăng hoa.
Ông Hồ Minh Thành, Phó trưởng Phòng Quản lý thể thao (Sở VH&TT tỉnh Quảng Bình) thổ lộ: Về chuyên môn, chúng tôi không mạnh hơn Quảng Nam, hay Bình Định. Tuy nhiên, đây là cơ hội để VĐV ở tỉnh được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và bản lĩnh thi đấu. Đồng thời, là dịp để VĐV các đoàn giao lưu, chia sẻ những đặc trưng, giá trị của sự độc đáo mà dân tộc mình sở hữu qua đó để mọi người gắn kết, xây dựng đại gia đình các dân tộc anh em nghĩa tình.
Chị Huỳnh Thị Đẹp, du khách đến từ Quảng Ngãi, bày tỏ: Tôi thấy rất ấn tượng với các hoạt động Ngày hội. Tình cờ vào Quy Nhơn du lịch, gặp ngay bà con Quảng Ngãi đang dự thi ở đây và thú thật là tôi cũng không thể ngờ văn hóa các dân tộc Quảng Ngãi quê mình lại có nhiều giá trị đặc sắc như thế. Điển hình là trang phục, âm nhạc của bà con các dân tộc ở Quảng Ngãi như đồng bào H’re, Cor quá đỗi hấp dẫn! Tôi tự nhủ khi trở về sẽ dành thời gian tìm hiểu và trải nghiệm.
Các VĐV nữ tranh tài môn đẩy gậy
Đượm nghĩa đồng bào
Đối với các nghệ nhân, diễn viên, Ngày hội không chỉ là cơ hội để giao lưu mà còn để học hỏi kinh nghiệm bảo tồn. Nghệ nhân ưu tú Kray Sức (đoàn Quảng Trị), cho hay: Tôi đã nhiều lần tham gia ngày hội và ở ngày hội lần này cũng vậy, chúng tôi vừa quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình vừa giao lưu, học hỏi các kinh nghiệm trong việc giữ gìn bản sắc ở các dân tộc của địa phương khác để về áp dụng với dân tộc mình và đề xuất chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa.
Với vai cô dâu trong cảnh tái hiện lễ cưới đồng bào dân tộc Ve tỉnh Quảng Nam, diễn viên Hiên Thị Vượt chia sẻ: Tôi rất tự hào khi góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Nhìn các bạn trẻ ở các địa phương khác nắm rất vững bản sắc văn hóa dân tộc mình, tôi càng khao khát bảo tồn, kế thừa bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để học tập thế hệ đi trước.
Nói về định hướng sắp tới của ngành văn hóa, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, cho biết: Từ Ngày hội, chúng tôi học hỏi cách tổ chức, thi đấu và bồi dưỡng VĐV. Từ đó, đưa ra phương án tổ chức thi đấu và phát động phong trào thể thao chung cho các dân tộc thiểu số. Với văn hóa, ngành có thêm tư liệu về các phương pháp, cách làm hay trong bảo tồn. Đây là cơ sở để ngành Văn hóa Bình Định tập trung tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, cuối năm nay, tỉnh tổ chức lễ hội cồng chiêng lần thứ 2.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhận xét: Tỉnh Bình Định đã tổ chức Ngày hội rất chu đáo. Ngày hội là sợi dây kết nối xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng, là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa. Qua Ngày hội, tôi tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng có thêm động lực để cùng nhau đoàn kết, tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng, nhất là học hỏi được kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
NGỌC NHUẬN - TRỌNG LỢI - THẢO KHUY