Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện Phù Cát
Sáng 12.9, Tổ kiểm tra công tác phòng chống thiên tai của UBND tỉnh do đại tá Trần Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN & Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh, làm Tổ trưởng, làm việc với UBND huyện Phù Cát về công tác phòng chống thiên tai năm 2023.
Đại tá Trần Thanh Hải kết luận tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện Phù Cát, từ đầu năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát, cập nhật nội dung phần mềm quản lý thiên tai tỉnh Bình Định ứng phó với kịch bản lũ, bão cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đồng thời yêu cầu rà soát, cập nhật dữ liệu khảo sát hộ gia đình trong ứng phó thiên tai và cập nhật dữ liệu bốn tại chỗ; kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các cấp ở địa phương; trong đó lực lượng tại chỗ với 1.815 người; Đội xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã, thị trấn với 1.515 người, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau thiên tai, tổ chức ứng phó, di dời dân theo chỉ đạo. Công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị, phương tiện máy móc để ứng phó với tình huống khẩn cấp đã sẵn sàng. Công tác hiệp thương về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu phục vụ phòng chống thiên tai thực hiện chặt chẽ; UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị thuốc men để sơ cấp cứu, chữa bệnh cho nhân dân tại nơi sơ tán và dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đủ dùng trong 7-10 ngày đề phòng cô lập do mưa lũ. Phương án sơ tán dân ứng phó với bão, ngập lụt và sạt lở núi được chuẩn bị tốt theo phương châm “4 tại chỗ” và theo 3 cấp độ lũ, 4 cấp độ bão; đối với bão địa phương phải sơ tán tập trung khoảng 486 hộ/1.695 người dân chủ yếu ở vùng ven biển chịu trực tiếp bão đổ bộ vào; đối với lũ lụt phải sơ tán khoảng 95 hộ/314 người dân, ở chủ yếu tại vùng ven sông Côn, sông La Tinh; sông La Vĩ và vùng hạ lưu các sông.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Đại tá Trần Thanh Hải đánh giá cao sự chuẩn bị, kế hoạch và các phương án ứng phó, phòng ngừa thiên tai của huyện Phù Cát. Đồng chí đề nghị: Phù Cát có nhiều trục đường ngang chắn dòng chảy từ Tây về phía biển nên dễ xảy ra sạt lở, sa bồi, thủy phá cũng như gây ngập cục bộ ở một số địa phương khu đông huyện; việc khai thác các mỏ đất, mỏ đá phục vụ các dự án trên địa bàn huyện nhiều dẫn đến hiện tượng sụt lún, sạt lở rất lớn. Vì vậy, địa phương phải đề nghị các công ty, nhà thầu trả lại mặt bằng sau khi khai thác, tránh trường hợp khai thác xong không hoàn thổ tạo ra các hố sâu rất nguy hiểm cho người dân. Phải có phương án di dời đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực núi Cấm, núi Rành trước khi mưa bão đổ bộ vào; tổ chức huấn luyện cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ ứng phó thiên tai, phải sử dụng thành thạo trang thiết bị máy móc PCTT, TKCN; sau thiên tai phải tổ chức lực lượng khắc phục sớm để cho người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.
MAN ĐỨC DŨNG