Dắt tay nhau qua bóng tối
“Ðồng điệu trong tâm hồn” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nói về tình yêu của những cặp vợ chồng khiếm thị. Bình lặng, êm đềm nhưng cũng đầy nỗ lực, thậm chí kiên cường, đó là hành trình xây dựng hạnh phúc gia đình của họ.
Năm 2000, sau một TNGT, anh Nguyễn Duy Hải (ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát) không còn đôi mắt. Những tưởng sẽ sống cả đời trong cô độc và bóng tối, anh lại tìm thấy tình yêu của đời mình là chị Lê Xuân Sang trong những ngày nằm viện. Vượt qua tất cả những rào cản của gia đình, hai anh chị tìm hiểu và kết hôn với nhau ngót nghét đã được 20 năm. Kể từ đó, chị Sang trở thành “đôi mắt” của chồng trong mọi hoạt động.
Chia sẻ về câu chuyện tình yêu, anh Hải không giấu nổi xúc động. Bản thân anh cũng rất khó khăn để thoát ra khỏi mặc cảm của bản thân. Thế nhưng, nhờ có sự động viên của chị Sang mà anh dần thích nghi. Đầu năm 2003, anh và chị quyết định tiến tới hôn nhân, cùng xây dựng hạnh phúc. Chị Sang kể, anh Hải là người tinh tế, biết lắng nghe và thấu hiểu vợ, nên chị cảm thấy rất may mắn khi có anh bên cạnh. “Có vài lần tôi chủ động dừng lại cũng chỉ vì quá tự ti về bản thân mình, sợ sẽ là gánh nặng của vợ. Bây giờ thì cảm thấy thật hạnh phúc vì cuộc sống hôn nhân rất êm đềm”, anh Hải chia sẻ.
Đến với nhau từ những ngày cùng làm việc chung tại một cơ sở massage, cặp vợ chồng khiếm thị Nguyễn Thị Oanh Kiều - Trương Minh Toàn (chủ cơ sở massage Minh Toàn, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) đã cùng nhau trải qua rất nhiều khó khăn để có được hạnh phúc như hiện tại. Chị Kiều bị khiếm thị từ khi còn nhỏ, còn anh Toàn mất đi đôi mắt sau một vụ tai nạn, song đó không phải là rào cản tình yêu của họ. Nhìn lại 14 năm bên nhau, kề vai sát cánh gầy dựng nên cơ sở massage riêng, chị Kiều cho biết đó là nỗ lực rất lớn để anh chị vươn ra khỏi bóng tối của cuộc đời mình.
Niềm vui sau mỗi ngày làm việc của vợ chồng anh Tuấn - chị Thu cùng hai con. Ảnh: X.Q
“Tình yêu của những người khiếm thị đến bằng sự đồng điệu trong tâm hồn. Mặc dù không nhìn thấy nhau, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự chân thành của đối phương. Anh Toàn là một người rất sâu sắc, biết nhường nhịn, yêu thương vợ. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều có anh cạnh bên nên tôi cảm thấy không cô đơn, nhất là những khi con đau ốm”, chị Kiều bộc bạch.
“Hội Người mù tỉnh là cầu nối cho rất nhiều cặp vợ chồng khiếm thị tìm thấy nhau. Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái chưa phải là khó khăn lớn nhất, bởi lẽ người khiếm thị còn phải vượt qua sự mặc cảm của bản thân và cái nhìn ái ngại của cộng đồng. Chúng tôi rất hoan nghênh các bạn khiếm thị vượt qua nghịch cảnh, tiến tới xây dựng hạnh phúc gia đình”.
Chủ tịch Hội người mù tỉnh NGUYỄN HÙNG THANH
Có với nhau “quả ngọt” là một bé gái, hành trình làm mẹ của chị Kiều cũng đặc biệt hơn bao bà mẹ khác. Tất cả những gì hình dung về con đều thông qua những cái chạm tay và cảm nhận. Bé nhà chị rất ngoan, biết nghe lời ba mẹ nên anh chị cũng không vất vả nhiều. Đôi lúc bé là người dẫn đường cho ba mẹ mỗi khi ra ngoài.
Cũng là chủ của một cơ sở massgage ở phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), đôi vợ chồng khiếm thị Nguyễn Thế Tuấn - Mai Thị Bích Thu luôn cố gắng cân bằng giữa việc kinh doanh và nuôi dạy con cái. Có với nhau hai mặt con, gia đình anh chị hiếm khi xảy ra cãi vã. Trước khi kết hôn, anh chị cũng đã dự lường những khó khăn khi có con, thế nhưng, với bản năng của một người mẹ, chị Thu chăm con rất khéo léo.
Anh Tuấn chia sẻ: “Vợ tôi là người hết mình với công việc và yêu thương gia đình. Một phần cũng nhờ cha mẹ vợ giúp đỡ, nên vợ chồng tôi có thể yên tâm làm việc và dành thời gian cho con”.
Có lẽ thiệt thòi lớn nhất của anh chị là không nhìn thấy được khuôn mặt các con. Thế nhưng, nỗi buồn đó cũng vơi dần trước niềm vui khi con được khỏe mạnh, được sống trong tổ ấm hạnh phúc.
XUÂN QUỲNH