Vở ca kịch bài chòi Tình sử Cô Tô đài: Tình yêu và ước vọng hòa bình
Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) vừa diễn báo cáo tổng duyệt vở ca kịch bài chòi Tình sử Cô Tô đài (tác giả kịch bản: NSƯT Hoàng Chinh - Hoàng Việt; tác giả chuyển thể: Nguyễn Sỹ Chức; đạo diễn: NSND Nguyễn Hoài Huệ).
Trước khi mất, NSƯT Hoàng Chinh và con trai là nghệ nhân Hoàng Việt cùng nhau viết kịch bản hát bội Tây Thi. Đến năm 1997, kịch bản Tây Thi được nghệ nhân Hoàng Việt hoàn chỉnh, sau đó được Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (nay thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) chuyển thể, dàn dựng thành công vở ca kịch bài chòi Tây Thi. Đến tháng 8.2023, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định phục hồi, dựng lại vở diễn này với tên gọi Tình sử Cô Tô đài.
Một cảnh trong vở ca kịch bài chòi Tình sử Cô Tô đài. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Vở diễn lấy bối cảnh thời Xuân Thu, vua nước Việt là Câu Tiễn sau nhiều lần bại trận trước nước Ngô đã dùng “mỹ nhân kế” đưa nàng Tây Thi (người yêu của tướng Phạm Lãi) sang mê hoặc vua nước Ngô là Ngô Phù Sai. Từ chỗ chỉ là một cống phẩm, “lửa gần rơm” lâu ngày khiến Tây Thi phát sinh tình cảm với Phù Sai và ngày càng mặn nồng. Chiều vợ, Phù Sai dần thay đổi và có nhiều chính sách ưu ái Việt quốc, không nghe theo lời can gián mà còn xử tử trung thần Ngũ Tử Tư - một trong những đại thần trụ cột của đất nước. Nhân cơ hội đó, Câu Tiễn phát động chiến tranh, tiêu diệt nước Ngô; Phù Sai phải tự sát, nàng Tây Thi cũng gieo mình xuống sông tự vẫn để giữ trọn đạo thủy chung với chồng, mặc dù Phạm Lãi vẫn còn yêu nàng tha thiết.
Nghệ nhân Hoàng Việt chia sẻ: Kết cục của Tây Thi có nhiều thuyết khác nhau, nhưng viết kịch bản hát bội Tây Thi tôi tiết giản cách xây dựng của điển tích, điển cố và khắc họa nàng Tây Thi chết theo chồng để giữ trọn nghĩa phu thê. Tôi muốn nhắc một điều, chiến tranh tàn khốc lắm, người khóc ly tan đã đành nhưng cả kẻ vui chiến thắng cũng không phải hạnh phúc trọn vẹn đâu. Tình là cái cớ, là cái đinh để tôi treo lên đó ước vọng hòa bình, và đó là ước vọng vĩnh cửu dân tộc nào cũng khao khát thế.
Trong lần dựng này, nhiều nghệ sĩ trẻ đã đảm nhiệm khá tốt vai diễn, đặc biệt bộ ba thủ vai chính, gồm: Hoài Tâm (vai Phù Sai), Thùy Dung (vai Tây Thi) và Phương Phú (vai Phạm Lãi). Nghệ sĩ Thùy Dung tâm tình: “Dù có thế mạnh chuyên diễn các vai đào bi, đào mùi, lần này diễn vai Tây Thi tôi cũng phải cố gắng rất nhiều để đặc tả được nội tâm nhân vật, nhất là màn cuối vở diễn với cái kết bi thương”.
Tây Thi là một kịch bản được nhiều người đánh giá cao và công chúng mộ tuồng và cả bài chòi cùng khá ưu ái. Nghệ sĩ Hoài Tâm bộc bạch: “Sắc độ, cung bậc tình cảm của nhân vật Phù Sai trong Tây Thi rất phức tạp, có những trường đoạn cùng một lúc bộc lộ nhiều biểu cảm khác nhau, tôi đã phải nỗ lực hết sức diễn trọn vai một vị quân vương lụy tình khiến đất nước diệt vong, ở một khía cạnh khác dù là Ngô vương nhưng Phù Sai vẫn là con người, là đàn ông - và khía cạnh này Phù Sai là một người tình, người chồng chân thành…”.
Vở diễn cũng cuốn hút khán giả với những màn vũ đạo đẹp mắt, cùng âm nhạc, thiết kế sân khấu kèm theo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đầy ấn tượng. Nghệ sĩ Kim Tiển, biên đạo múa vở diễn, chia sẻ: “Tùy theo phân cảnh của vở diễn, tôi dàn dựng vũ đạo để lôi cuốn người xem, như mở màn là cảnh giao tranh giữa 2 nước Việt - Ngô, tôi khai thác theo vũ đạo tuồng, nhưng vẫn phù hợp với sân khấu ca kịch bài chòi…”
Có thể nói Tình sử Cô Tô đài là một vở diễn đầy sáng tạo, đẫm tính nhân văn sâu lắng. Đạo diễn NSND Hoài Huệ tâm tình: 26 năm trước, vở diễn này được Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định dàn dựng, lưu diễn tạo ấn tượng tốt trong lòng công chúng. Nay vở này được dựng mới, hoàn toàn tập trung vào chuyện tình tay ba Phù Sai - Tây Thi - Phạm Lãi, với bố cục phù hợp với hơi thở đời sống sân khấu nghệ thuật truyền thống đương đại. Qua đó, bổ sung thêm nhiều vở diễn vào kịch mục của Nhà hát để lưu diễn phục vụ nhân dân.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN