Tôi tự nguyện và cảm thấy hạnh phúc!
Nhân dịp 27.7 năm nay, Quỹ Lá Xanh - chùa Ðống Cao tỉnh Thái Bình nhận phụng dưỡng thêm 50 Mẹ Việt Nam anh hùng ở Bình Ðịnh. Vậy là, trong tổng số 147 Mẹ còn sống của tỉnh, Lá Xanh đã nhận phụng dưỡng 75 Mẹ. Người đảm nhận vai trò cầu nối, tới lui thăm viếng, trao hỗ trợ các Mẹ là bà Ðặng Kim Hồng (SN 1964, ở TP Quy Nhơn).
Việc càng nhiều, lòng càng vui
Cùng với 75 Mẹ ở Bình Định, Lá Xanh còn phụng dưỡng hơn 100 Mẹ ở Quảng Ngãi. Vậy nên, bà Hồng cứ luôn tất bật đi tới đi lui. Bởi, không chỉ 3 tháng một lần đến tận nhà từng Mẹ thăm hỏi, cập nhật tình hình sức khỏe lẫn đời sống, trao tiền phụng dưỡng (2 triệu đồng/tháng); bà còn về thăm lúc ốm đau, trao hỗ trợ 500 nghìn đồng/suất khi Mẹ nằm viện. Lúc Mẹ qua đời, bà đến phúng điếu, trao 2,5 triệu đồng hỗ trợ mai táng, nhang đèn. Dịp lễ, tết Nguyên đán, những ngày kỷ niệm, bà Hồng lại đến thăm, trao tiền cúng kính liệt sĩ.
* Đâu là động lực để bà cứ miệt mài chăm lo cho các Mẹ...
- Là bởi, tôi thấm thía được nỗi đau của các Mẹ, tôi hiểu mong muốn được quan tâm, yêu thương cho vơi bớt cô đơn hiu quạnh khi tuổi xế chiều trong lòng các Mẹ. Tôi cứ nghĩ, các Mẹ giờ như “chuối chín cây”, nên làm được gì cho Mẹ vui sống, tôi luôn sẵn lòng.
Còn bởi, gia đình tôi cũng là gia đình liệt sĩ. Anh trai của tôi hy sinh ở chiến trường Campuchia trong năm 1989. Tôi đã chứng kiến và cảm nhận nỗi buồn đau quá lớn của mẹ lúc hay tin anh hy sinh. Ngày nào cũng thấy mẹ tôi ra mộ anh, khóc vật vã, đến kiệt sức. Rồi cũng không vượt qua được nỗi đau mất con nên mẹ tôi đã đột quỵ rồi mất sau đó.
Vậy nên, cứ nhìn thấy các Mẹ cô đơn, hiu quạnh trong bóng chiều dần tắt là lòng tôi se thắt lại, nghĩ đến những nỗi đau, sự trống trải lớn đến nhường nào trong lòng Mẹ.
* Chấp nhận yêu thương Mẹ vô điều kiện, hẳn bà phải đối mặt với không ít áp lực…
- Có người còn bảo tôi “dở hơi” nữa kìa. Tại họ nghĩ, tôi đến tuổi này rồi, có thể nghỉ ngơi, đi chơi đó đây. Đằng này, mỗi đợt đi trao tiền phụng dưỡng, tôi ròng rã hơn 10 ngày mới đến hết các Mẹ ở Bình Định và Quảng Ngãi. Tờ mờ sáng tôi đã dậy, lúc trời mưa to, lúc nắng gắt, ngược lên miền núi, xuôi về miệt biển, nhiều hôm đến quá khuya mới về nhà, sáng lại dậy sớm để đi cho kịp.
Vất vả của bản thân không nghĩ đến, lại luôn cảm nhận áp lực, đặc biệt là nếu chậm trễ, lại lo Mẹ hay người chăm sóc Mẹ ngóng trông... Tôi từng nói với nhiều người, cho tôi đi du lịch, thật lòng tôi không muốn đi đâu; nhưng bảo tôi đi đến với Mẹ thì tôi lại đi ngay và đi không biết mệt.
Bà Hồng ân cần chăm sóc Mẹ. Ảnh: NVCC
Với tôi, Mẹ luôn là ưu tiên số 1
Bà Hồng tâm sự rằng, bà thấy vui khi chồng con luôn ủng hộ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để bà đến với các Mẹ. Có chút thời gian rảnh, bà lại vào Nam thăm con cháu. Vậy nhưng, cứ hễ Mẹ này đau, Mẹ kia mất là bà lập tức lên đường.
* Được biết, bà đã đến với Mẹ từ rất lâu…
- Cũng gần 30 năm trước, khi còn làm ở Cảng Quy Nhơn, tôi được giao phụ trách việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng của cơ quan. Đầu tiên, cơ quan nhận phụng dưỡng 1 Mẹ, tôi đưa ra ý kiến nên quyên góp và dùng quỹ phúc lợi của cơ quan để nhận phụng dưỡng thêm. Cứ vậy, Cảng Quy Nhơn nhận phụng dưỡng đến 32 Mẹ. Thời đó, tôi không nề hà bất cứ việc gì, kể cả vệ sinh cho các Mẹ khi người thân đi làm, để Mẹ ở nhà một mình. Nhiều lần, tôi còn tham gia cả khâu liệm khi Mẹ qua đời...
Tiếng lành đồn xa từ những việc tôi đã chu toàn với các Mẹ, Quỹ Lá Xanh ở tận tỉnh Thái Bình nghe được, mong muốn tôi hỗ trợ họ thực hiện việc phụng dưỡng Mẹ như tâm huyết của người sáng lập ra Quỹ. Tâm huyết của Quỹ Lá Xanh là phụng dưỡng suốt đời nhiều Mẹ dọc các tỉnh miền Trung chạm đúng vào ước nguyện của tôi.
Đã quen chu toàn cho Mẹ nên lần nào đến thăm, tôi cũng cố ý nán lại lâu nhất có thể, chuyện trò, quan sát Mẹ có khỏe hơn, sạch sẽ, vui vẻ hơn lần gặp trước không, tìm hiểu người thân có chăm sóc Mẹ chu đáo không, thì mới thỏa lòng. Chính vì sự “cầu toàn” ấy mà với những trường hợp người thân lơ là, tôi đến gặp trực tiếp chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương, đề nghị họ quan tâm, nhắc nhở, giám sát người nhận nuôi Mẹ.
Nhiều lần đưa 6 triệu đồng tiền phụng dưỡng 3 tháng của Mẹ cho người nhà, thấy họ cầm tiền mà không chăm lo ăn uống, thuốc thang chu đáo cho Mẹ, tôi đã báo cáo với Quỹ, xin ý kiến nhà tài trợ cho trích ra 500 nghìn đồng để mua sữa, yến cho các mẹ.
* Nhiều người cho biết, dù đóng vai trò cầu nối, nhưng bà không chỉ bỏ công...
- Là tôi tự nguyện và thấy hạnh phúc khi được tin tưởng, giao phụ trách khâu kết nối, tới lui với Mẹ. Thời gian đầu ít Mẹ, tôi tự trang trải một số loại chi phí không tên, kể cả mua sắm áo quần mới tặng Mẹ. Chỉ sau này, khi có nhiều Mẹ hơn, không quán xuyến hết, tôi mới báo cáo Quỹ hỗ trợ chi phí xe cộ...
Trên đường đi luôn phát sinh rất nhiều thứ, vì về huyện rồi xuống xã đến thôn. Điều tôi mong muốn nhất là chính quyền các địa phương (nhất là những phòng, ban liên quan) quan tâm, tạo điều kiện để tôi đến được với nhiều Mẹ hơn nữa trong thời gian tới.
Bà Hồng thay mặt Quỹ Lá Xanh nhận phụng dưỡng Mẹ Lê Thị Đặng ở huyện Tây Sơn. Ảnh: NVCC
Lá Xanh bao bọc lá vàng
Bà Đặng Kim Hồng cho biết, một cặp vợ chồng doanh nhân trẻ rất có tâm hiện sinh sống tại Hà Nội làm kinh tế thành đạt, về quê Thái Bình xây chùa Đống Cao, lập quỹ Lá Xanh; rồi vận động bạn bè, người thân đóng góp kinh phí để hỗ trợ gia đình chính sách, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, giúp trẻ em chất độc da cam, khuyết tật, cấp học bổng học sinh vượt khó... Quỹ đặc biệt hướng sự ưu tiên đến khu vực miền Trung.
Tên Lá Xanh, theo bà Hồng, tượng trưng cho những chiếc lá còn đang lành lặn, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng để bao bọc những chiếc lá vàng, lá úa thậm chí là lá rách nát. Màu xanh lá mơn mởn đầy sức sống mang đến cho tất cả mọi người niềm tin yêu vào tương lai và hy vọng rằng trên cuộc đời còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái, bao dung, sẵn sàng lan tỏa yêu thương.
* Những năm qua, Lá Xanh ở Bình Định không ngừng phát triển...
- Bởi những việc Lá Xanh làm khá lặng lẽ nhưng hiệu quả nên tiếng lành đồn xa, thu hút thêm nhiều sự chung tay, hoạt động theo đó được mở rộng, phát triển. Thời gian qua, có thêm rất nhiều người xin được là thành viên của Quỹ, đóng góp vào việc tri ân người có công với cách mạng. Số người kinh tế thong thả thì nhận nuôi 1 Mẹ, người khó khăn hơn thì 2 - 4 người góp vào nuôi 1 Mẹ.
Tôi luôn mong muốn có thể nuôi hết số Mẹ còn sống của Bình Định, Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung.
* Ngoài việc nhận phụng dưỡng Mẹ, Lá Xanh ở Bình Định còn làm nhiều việc ý nghĩa khác...
- Đúng vậy. Ngoài các Mẹ, Lá Xanh còn đến với nhiều đối tượng yếu thế khác như người mù, bệnh nhân tâm thần, người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, các gia đình chính sách, hộ dân ở vùng sâu vùng xa, người dân bị ảnh hưởng lũ lụt, thiên tai, dịch Covid-19… Có năm Lá Xanh ủng hộ hàng nghìn suất quà. Giai đoạn 2019 - 2021, nhiều biến động, đặc biệt do dịch Covid-19, tôi lại vận động thành viên của Lá Xanh góp sức cùng tỉnh làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn, được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên dương, tặng bằng khen...
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục hành trình hạnh phúc của mình!
NGỌC TÚ (Thực hiện)