Liên hợp quốc: Thế giới vẫn chưa hành động đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu
Theo báo cáo mới nhất từ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thế giới cần “tăng tốc hành động” trong vấn đề cắt giảm khí thải, yếu tố gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các nước không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tình trạng nhiệt độ tăng cao, vốn đang gây ra các đợt sóng nhiệt, hạn hán và bão lũ ngày càng khốc liệt hơn.
Cảnh báo này được đưa ra trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra tại UAE vào đầu tháng 12 tới. Đây là hội nghị thường niên để lãnh đạo các nước thảo luận về những cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, cho đến nay các bên vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết này. Trong khi đó, các nhà khoa học cảnh báo, thế giới cần hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu đến 1,50C. Nếu vượt ngoài ngưỡng đó, mực nước biển dâng cao sẽ khiến các thành phố biển có nguy cơ ngập lụt, các rạn san hô có thể biến mất gần như hoàn toàn, và thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Hiện tại, thế giới đang trong quá trình hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống khoảng 20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo của LHQ cũng cảnh báo, từ nay đến năm 2030, cần cắt giảm thêm khoảng 43% lượng phát thải khí nhà kính và con số này vào năm 2035 là 60%, so với mức của năm 2019. Trên hết, thế giới sẽ cần phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông Ani Dasgupta, Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới cho rằng, báo cáo này là hồi chuông cảnh tỉnh đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời cũng là cơ hội then chốt để sửa sai. “Chúng ta đều biết rằng thế giới không đạt được mục tiêu về khí hậu, nhưng các nhà lãnh đạo có 1 dự án cụ thể, được hỗ trợ bởi 1 “núi” minh chứng về cách thức làm sao đạt được mục tiêu,” ông Ani Dasgupta nói.
Khí thải từ nhiêu liệu hóa thạch bị đốt cháy. Ảnh: Christopher Furlong/GettyImages
So với tầm nhìn 2015, khi thỏa thuận về cắt giảm phát thải được ký kết tại Paris (Pháp), hiện các nước đang có nhiều tiến bộ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế, đa số các nước có dấu hiệu “hụt hơi” trong việc thực hiện cam kết. Sau khi giảm nhẹ vào thời điểm xảy ra dịch Covid-19, tình trạng phát thải tăng trở lại. Trong năm 2022, mật độ khí nhà kính được ghi nhận ở mức kỷ lục trong lịch sử, cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp, chủ yếu bắt nguồn từ Trung Quốc.
Trong báo cáo này, các chuyên gia cũng lưu ý, năng lượng tái tạo đang ngày càng phát triển nhanh, nhờ chi phí cho điện gió và điện mặt trời giảm mạnh. Năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch đưa mức phát thải ròng bằng 0. Bên cạnh đó, theo Cơ quan Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, từ nay đến cuối thập kỷ này, mức phát thải từ than đá cũng cần phải giảm khoảng 67 - 82%, tốc độ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn cần nhanh hơn gấp 6 lần.
Tại COP28 sắp tơi, các nước sẽ tiếp tục đánh giá về những gì đã làm được cũng như những tồn tại cần khắc phục. Một vấn đề chính khác sẽ được thảo luận là làm sao để những quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể chuẩn bị tốt hơn trong đối phó với biến đổi khí hậu.
LÊ QUẢNG (Theo npr)