Trung thu của Liên
Truyện ngắn của SƠN TRẦN
1. Bản nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi cao, chỉ có một con đường nhỏ, nổi đầy đá dăm, lại quanh co, khúc khuỷu, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, nối bản với trục đường chính. Những ngày mưa, xe máy vào bản cứ chồm lên rồi hụp xuống, tay lái không vững thì chỉ biết lắc đầu, ngán ngẩm. Còn nếu vận chuyển gỗ keo, nông sản bằng xe công nông thì cứ ì à, ì ạch nhả khói đen ngòm. Hầu như người dân ở bản không đi đâu xa. Họ sống lặng lẽ, bình yên trong những nếp nhà sàn cất dọc sườn dốc.
Liên ngồi bên cửa sổ của căn phòng tập thể nhìn về phía quả đồi. Mùa này cỏ tranh lên xanh, rập rờn trước từng làn gió. Những cây thân gỗ rải rác đỉnh đồi đương kỳ thay lá, vàng mơ, trông đẹp mắt vô cùng. Chiều sương giăng bảng lảng. Những bóng người đi nương, đi rừng xuống suối tắm giặt. Tiếng trẻ con í ới gọi nhau. Khói lam vờn quanh nóc nhà, rồi từ từ theo gió bay lên.
Liên là giáo viên tiểu học, ra trường công tác chừng bảy năm. Năm nay, cô dạy ở điểm lẻ, lớp nhô. Mỗi phòng chưa đầy chục em mà có đến hai khối lớp, gọi là lớp ghép. Mà chỉ dạy buổi sáng vì thời tiết vùng này khắc nghiệt, buổi chiều thường mưa, kèm theo giông sét. Và lũ quét, lũ ống đột ngột, rất nguy hiểm. Nhà học trò tuy ở quanh vùng nhưng phải lội suối, băng đồi, việc đi học của đa số các em còn nhiều vất vả.
Ngày mới nhận lớp, Liên dạy ở điểm chính, gần chợ, gần trạm y tế, lại nhiều lớp, đông học trò. Rồi thầy cô cứ thay phiên vào các điểm lẻ, ở đấy hai năm rồi lại trở về điểm chính. Thời gian chưa nhiều nhưng Liên đã gần như thân thuộc các gia đình trong bản. Cô giáo trẻ ở miền xuôi không ngại khổ, ngại khó đã đi từng nhà thuyết phục, động viên học sinh ra lớp. Liên gần gũi, quan tâm và luôn biết lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của dân bản. Những ước mơ còn dang dở của mình, ai cũng mong muốn thầy cô dẫn dắt con cháu thực hiện. Nguyện vọng thế nhưng rồi đời sống vật chất bấp bênh, thời tiết có năm thất thường khiến hoa màu mất trắng, lúa trên nương, dưới ruộng xác xơ. Heo, bò nuôi trong chuồng không chịu lớn, lại gặp dịch bệnh. Việc vào rừng, vào núi kiếm đót, bẻ măng lôi kéo nhiều học sinh bỏ lớp. Đứng trên dốc nhìn xuống suối, chỉ thấy đá cuội nằm trơ dưới cái nắng gay gắt, Liên chỉ biết ngậm ngùi tính chuyện quay về. Liên thương học trò nơi đây. Những đứa trẻ lót dạ bằng củ khoai hay trái bắp để có sức đến trường. Những đứa trẻ mặc lại quần áo cũ của anh chị hay của các đoàn từ thiện ghé trao. Những đứa trẻ chăm chú nghe từng lời giảng của thầy cô và nắn nót viết từng con chữ. Nhiều đêm Liên khó ngủ, lòng đầy nghĩ suy.
2.Thời gian cứ lững lững trôi vô tình, khiến con người chưa kịp thực hiện những điều đã dự định. Liên cũng từng lỡ hẹn bao lần nhưng đôi khi một buổi sáng nào đó, rất tình cờ, nghe trong gió hơi sương chùng chình, thấy những mơ ước, hoài bão của cái thời vừa bước chân vào đời đột nhiên thổn thức, bấy nhiêu mà đủ khiến Liên trôi về phía những dự định ăm ắp động lực. Một năm học với nhiều khởi sắc và đầy hứa hẹn, Liên giở trang sách mới, những đơn vị kiến thức mới hiện lên trước mắt. Liên thích nghề giáo, yêu thương trẻ con. Được dạy dỗ, quan tâm học trò là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô.
Khi Liên đang dạo dọc con đường đầy hoa dại, tận hưởng sự yên bình, tĩnh lặng của một buổi chiều nơi vùng cao thì Toàn, bí thư xã đoàn xuất hiện, gọi tên cô. Họ đi về phía trường học. Liên nhận tờ giấy từ tay Toàn. Đó là kế hoạch tổ chức đêm hội trăng rằm. Kinh phí xã đã xin và một đoàn từ thiện sẽ trao thêm quà cho các cháu.
Liên nghe lòng mình rộn rã. Đấy chẳng phải điều mà cô đang ấp ủ đấy sao. Nhiều lần, Liên suy nghĩ, sẽ làm điều gì mang lại niềm vui cho các em học sinh ở bản này. Chúng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Mọi thú vui dành cho tuổi thơ hầu như chưa từng biết. Thỉnh thoảng, Liên mở điện thoại tìm những trò chơi, những sinh hoạt vui chơi, múa hát cho các em xem. Chúng ngạc nhiên, tấm tắc và ước ao.
Liên sẽ đóng vai chị Hằng và Toàn sẽ vào vai chú Cuội. Một kịch bản cho đêm hội trăng rằm được hình thành. Những chiếc đèn lồng, những cặp sách, những bánh trung thu được trao bởi đoàn từ thiện. Các em đến vui chơi, hát múa, thưởng thức những món ăn ngon. Không chỉ các em mà hầu hết dân bản cũng được mời đến tham dự.
3.Liên nhẩm lại lời thoại trong một phân đoạn của hoạt cảnh. Cô thực sự vui, đắm chìm trong dòng cảm xúc nhẹ lâng. Cứ thế, ký ức ngày xưa lần lượt trở về đưa cô gặp lại khoảng trời tuổi thơ lãng đãng sương bay, ở đấy tràn ngập âm thanh và màu sắc. Ngày ấy, Liên mong mau đến mùa thu sau mấy tháng nghỉ hè không phải vì đấy là thời điểm những trái cây trong khu vườn của ngoại đồng loạt chín vàng, không khí dễ chịu hơn với mây xanh, nắng vàng mà còn vì lúc ấy đã vào năm học mới. Cô được gặp thầy cô, bạn bè mới, được xúng xính trong bộ quần áo còn thơm mùi vải. Đặc biệt, được ông làm cho chiếc đèn lồng, đêm rằm rước đi khắp xóm. Liên còn nhớ như in chuyện mẹ kể về cha công tác ở đồn biên phòng. Mùa trung thu nào cũng vậy, đơn vị phối hợp với các tổ chức đoàn, hội vui chơi, phá cỗ cùng các em nhỏ ở đấy. Liên ước ao một lần lên thăm cha để được tận mắt chứng kiến trung thu ở miền núi có khác nhiều so với trung thu ở đồng bằng hay không? Dĩ nhiên là khác xa khi Liên lên dạy ở trường bản. Nơi núi rừng trập trùng, mưa nắng thất thường, đường sá đi lại khó khăn, phải luồn rừng, băng suối. Các em ở đây thiếu thốn, mong có một chiếc đèn lồng đơn giản hay cái bánh trung thu nhỏ thôi cũng đã là xa xỉ.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN QUYÊN
4. Bản vẫn thu mình trong tiết heo may dịu dàng, sương chùng buông khắp lối. Mưa đêm như thể lập trình kéo về rây hạt lúc tàn khuya. Trăng mờ vén mây, mắc ở cành cây, lấp loáng ánh sáng. Ký ức vẫn hiện về đứt quãng nhưng cũng đủ làm Liên nhớ nhung. Cô bước ra ngoài sân, nhìn ngắm không gian bao la, im lìm và hoang vắng. Vầng trăng trên cao đang chơi trò trốn tìm kia là lãnh địa của chị Hằng. Nàng tiên ấy đang nhìn xuống trần gian, liệu nàng có nghĩ đến cuộc đời những cô cậu học trò mà hằng ngày Liên dạy dỗ không? Hay nàng vô tâm, ban phát thứ ánh sáng dịu kỳ, mê đắm chỉ gây bao ảo tưởng cho con người? Liên biết mình đang đi xa trong suy nghĩ nên khẽ cười rồi vào phòng khép cửa lại. Vầng trăng đầu tháng cong như lưỡi liềm cùng làn gió khuya se lạnh đã đưa cô vào giấc ngủ yên bình.
5.“Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu/ Cán đây rất dài cán cao quá đầu/ Em cầm đèn sao em hát vang vang/Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan!”. Lời bài hát rộn rã, vui tươi vang lên từ chiếc loa đã giục bước chân mọi người. Trẻ con xô nhau, chạy đến nhà văn hóa bản. Liên và Toàn đều đã trang điểm, áo quần chỉnh tề. Hai người sẽ tham gia một hoạt cảnh ngắn sau khi nhóm học trò mở màn tiết mục đồng ca. Điệu múa mang màu sắc dân tộc, thể hiện ước mơ của người dân nơi đây được Liên dàn dựng sẽ kết thúc chương trình văn nghệ. Cô và Toàn còn đảm nhiệm vai trò MC, dẫn dắt chương trình. Cô cảm thấy hồi hộp làm sao. Đám học trò nhỏ nhìn thấy cô giáo đang cố gắng lách người để lên sân khấu đã thích thú reo lên:
- Cô Liên ơi, cô đẹp quá, đẹp như cô tiên vậy!
Chỉ bấy nhiêu thôi mà Liên nghe lòng phấn khích vô cùng. Những hoài niệm, yêu thương, những ước muốn được cống hiến gợi lên từ lúc còn thơ thấp thoáng hiện về. Dẫu biết rằng, cuộc sống đôi khi bắt chúng ta quên, bởi mưu sinh, bởi thực dụng và bởi nhiều lý do khác. Để rồi đâu phải ai cũng có thể gìn giữ được ước mơ, gìn giữ được những kỷ niệm nguyên lành. Trăng của ngày trung thu đi qua cuộc đời Liên bao lần và lần nào cũng thế, nó khiến cô nghĩ suy, thao thức, nó khiến cô tìm cơ hội để thực hiện, dù chỉ một lần trong đời. Và hôm nay, ở cái bản nhỏ còn nghèo này, đứng trên sân khấu nhỏ được kê tạm bợ nhìn xuống dưới, thấy các em học sinh hào hứng đón chờ lòng Liên vui sướng làm sao.
6. Chương trình của đêm hội bắt đầu. Trăng bỗng nhiên sáng ngời. Cả bản nhỏ vằng vặc một màu trăng, lung linh, huyền ảo. Đèn ông sao cũng được thắp lên. Trẻ con reo hò, cổ vũ. Hòa cùng dàn đồng ca là nhịp trống lân rộn rã, tưng bừng.
Liên ngạc nhiên quá đỗi trước tình huống bất ngờ mà đoàn từ thiện và các anh chị ở xã tạo ra. Họ đã thuê đoàn lân từ thị trấn lên phục vụ dân bản và các em. Điều này nằm ngoài kế hoạch, chỉ có Toàn biết nhưng anh cũng giấu cô. Liên đứng ngây người, xúc động nhìn mọi người tạo thành vòng tròn vây quanh đoàn lân.
Đêm ấy, Liên có một giấc mơ thật đẹp. Khắp triền đá dọc bản, những bông hoa chen lên, nở rộ khi được ướp đầy trăng và sương của tình yêu thương. Lần đầu tiên trong đời Liên có riêng cho mình một đêm trung thu.