Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề
(BĐ) - Ngày 15.9, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động (CTHĐ) số 08 tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 (gọi tắt là CTHĐ số 08).
Quang cảnh Hội nghị.
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo; các Phó Trưởng Ban chỉ đạo: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng.
Các đại biểu dự Hội nghị.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 08, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh được nâng lên.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng trình bày báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 08.
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP năm 2021 chiếm 29,1% (kế hoạch 29,1%); năm 2022 chiếm 30,1% (kế hoạch 29,7%). Cơ cấu kinh tế công nghiệp trong GRDP chuyển dịch đúng hướng (tăng từ 20% năm 2020 lên 20,3% năm 2021, tăng lên 21% năm 2022). Giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng, cụ thể năm 2021 đạt 52.537 tỷ đồng, năm 2022 đạt 56.848 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 28.488 tỷ đồng.
Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục hoạt động hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng như: Năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm, hàng may mặc, sản xuất thuốc, chế biến gỗ… Kim ngạch xuất khẩu các năm tăng trưởng mạnh và vượt chỉ tiêu kế hoạch; một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giữ vững đà tăng trưởng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc trình bày tham luận.
Hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư. Công tác bảo vệ môi trường công nghiệp được tăng cường, nhất là kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp được tăng cường. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút 135 dự án trên lĩnh vực công nghiệp (có 4 dự án FDI). 45 dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng; dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, có 9 dự án sẽ đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất và duy trì tốc độ tăng trưởng chung ngành công nghiệp, tạo động lực phát triển KT-XH tỉnh trong những năm tiếp theo.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Nhơn Đào Xuân Huy trình bày tham luận.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng trong GRDP hằng năm chưa đạt chỉ tiêu đã ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng chung; vẫn còn một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp so cùng kỳ; chưa phát huy hết dư địa sẵn có.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tuy có tăng trưởng nhưng thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, nhất là việc đáp ứng các yêu cầu về rào cản thương mại kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu.
Trên địa bàn tỉnh, hầu hết là các DN nhỏ và siêu nhỏ; việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp lớn còn hạn chế, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài vào Khu kinh tế Nhơn Hội, khu công nghiệp; việc triển khai thực hiện dự án động lực gặp khó khăn; chưa có dự án động lực vào hoạt động để tạo “cú huých” thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh; tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp còn thấp; một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp chậm triển khai, điều chỉnh kéo dài tiến độ.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện phân tích tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành gỗ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật hầu hết các cụm công nghiệp xây dựng chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, tiến độ đầu tư còn chậm, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư ở từng địa phương, cụm công nghiệp. Tỷ lệ cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp (mới chỉ đạt 17%)…
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành đã trình bày tham luận xung quanh các chủ đề: Công tác phát triển công nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; kết quả triển khai thực hiện CTHĐ số 08 về lĩnh vực phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành gỗ trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng ghi nhận những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 08 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, biểu dương các thành viên trong Ban Chỉ đạo và các cấp, ngành, địa phương, DN, người dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, tổ chức triển khai tốt các nhiệm vụ đã đề ra và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, nhìn tổng thể, sau hơn 2 năm thực hiện CTHĐ số 08, cơ bản các kết quả đạt được chưa tương xứng với kỳ vọng, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Những hạn chế, khó khăn trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động trực tiếp từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như những nguyên nhân mang tính chủ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện CTHĐ số 08, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh, trước hết là các thành viên Ban Chỉ đạo cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, quyết tâm chính trị, của cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, DN và nhân dân trong thực hiện CTHĐ số 08 và các chương trình hành động liên quan đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã ban hành.
Tập trung rà soát, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; đánh giá hiệu quả thực hiện; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết, CTHĐ đã đề ra. Sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng KH&CN cao, tăng tỷ lệ nội địa hóa; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp.
Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; đôn đốc các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để sớm triển khai các dự án trọng điểm; tập trung quyết liệt huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối, hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp.
Cần đổi mới tư duy, cách thức thu hút đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch các chính sách có liên quan đến thu hút đầu tư; chủ động kết nối, tổ chức các buổi làm việc cụ thể với các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, nhất là sau các hội nghị xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước để kịp thời phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là rà soát chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thiết thực, hiệu quả, nhằm chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho phát triển công nghiệp. Ưu tiên đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành, lĩnh vực gắn với yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh.
MAI LÂM - CHƯƠNG HIẾU